Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản trả lời Đại biểu tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề liên quan tới quản lý thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu.

Bộ Tài chính đánh giá, thị trường vốn đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế và phát triển cân bằng với thị trường tiền tệ, tín dụng.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, thị trường vốn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm; thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019 - 2021 trên 30%/năm. Qua đó, dần thu hẹp khoảng cách và cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng.

Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn, bao gồm phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá cổ phần hóa năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thời gian gần đây trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh như vụ việc của FLC, Louis.

Trịnh Văn Quyết thu lợi gần 1.000 tỷ đồng từ việc thao túng giá 6 mã "họ" FLC

Chủ tịch Đỗ Thành Nhân: Ông tổ "đội lái" trong mác "nhà tiên tri" thị trường

Để ổn định thị trường cổ phiếu Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thanh kiểm tra cụ thể. Bộ đã thực hiện kiểm tra, huỷ giao dịch đối với 74,8 triệu cổ phiếu, phong tỏa tài khoản, xử lý hành chính trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, giao dịch không đúng quy định; chủ động chuyển cơ quan điều tra hồ sơ của công ty Louis Holding và 34 vụ việc của các công ty khác có vi phạm. Riêng thị trường này, Bộ Tài chính đã đề nghị khởi tố đối với 6 vụ việc.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán, 2 doanh nghiệp phát hành, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển cơ quan công an 1 vụ việc.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với cơ quan điều tra trong vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, tổ chức kiểm tra tại 5 công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc này. Từ nay đến hết năm, sẽ còn kiểm tra nhiều doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trước đó, tại cuộc thảo luận kinh tế vĩ mô chiều 30/7 tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin tại tính đến 30/6/2022, tổng giá trị phát hành đạt 257.857 tỷ đồng, tăng 44.757 tỷ đồng, tương đương tăng 21% so với năm 2021, thấp hơn mức tăng năm 2021 (38,9%), song thị trường có 4 dấu hiệu đáng chú ý.

Một là có hiện tượng một số tổ chức môi giới của một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính mời chào người dân mua trái phiếu doanh nghiệp với hình thức gửi tiết kiệm.

Hai là một số doanh nghiẹp có dấu hiệu phát hành qua công ty con, công ty trong hệ sinh thái, sau đó chuyển tiền về công ty mẹ và sử dụng không đúng mục đích.

Ba là cùng với tình trạng lãi suất tiền gửi tăng, doanh nghiệp bắt đầu có hiện tượng nâng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên 12%. “Đây là dấu hiệu bất thường”, Bộ trưởng nói.

Bốn là tình trạng công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa được cải thiện, ví dụ như thông tin về mục tiêu phát hành, báo cáo thực hiện sử dụng vốn.

Hiện, Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 153, theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Cấp bách tìm lối thoát cho trái phiếu doanh nghiệp