Nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 15.000 tấn gừng, nghệ và các loại gia vị, thu về gần 38,9 triệu USD. Đáng chú ý, dù sản lượng giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch lại tăng 18,2%. Con số này không chỉ phản ánh sức hút ngày càng lớn của mặt hàng gừng mà còn cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt từ sản lượng sang giá trị.

Năm 2024 cũng là cột mốc đáng nhớ với ngành gia vị khi tổng kim ngạch xuất khẩu gừng và các sản phẩm liên quan đạt gần 59,5 triệu USD, tăng 20,7% so với năm 2023. Từ những thị trường truyền thống như Trung Quốc và Bangladesh, gừng Việt Nam đã mở rộng hiện diện tại nhiều quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Pakistan và Indonesia.

6 tháng thu về gần 40 triệu USD: Cây gia vị vùi sâu dưới lòng đất, 'ăn nên làm ra' khiến 110 doanh nghiệp Việt lao vào cuộc đua xuất khẩu
Gừng Việt Nam đang được xuất khẩu sang một loạt thị trường châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Ảnh minh họa

Ấn Độ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nhóm hàng này. Với quy mô ngành gia vị ước tính đạt hơn 10 tỷ USD, đây được coi là "đấu trường vàng" cho các doanh nghiệp xuất khẩu gừng Việt Nam. Hiện cả nước có khoảng 110 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gừng và gia vị, trong đó nổi bật là Synthiet Việt Nam, Expo Commodities và Phúc Lợi.

Không chỉ dừng ở vai trò một mặt hàng xuất khẩu, gừng đang được xem là cây trồng chiến lược trong lộ trình phát triển nông nghiệp sinh thái và tuần hoàn. Với đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, không cần nhiều phân bón hóa học và phù hợp nhiều loại đất, gừng trở thành lựa chọn lý tưởng cho các hộ nông dân vùng trung du, miền núi và vùng khó khăn.

6 tháng thu về gần 40 triệu USD: Cây gia vị vùi sâu dưới lòng đất, 'ăn nên làm ra' khiến 110 doanh nghiệp Việt lao vào cuộc đua xuất khẩu
Loại cây gia vị này dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh... mang lại giá trị kinh tế lớn. Ảnh minh họa

Nhiều địa phương đã và đang áp dụng mô hình trồng gừng hữu cơ đem lại hiệu quả rõ rệt. Tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), gừng được trồng dưới tán rừng, không dùng thuốc trừ sâu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Tại Thông Nông (Cao Bằng), mô hình gừng trâu xen cây lâm nghiệp không chỉ cải tạo đất mà còn cho năng suất 20–22 tấn/ha. Ấn tượng hơn, tại Bắc Mê (Tuyên Quang), mô hình liên kết trồng 40 ha gừng hữu cơ đạt năng suất 35–40 tấn/ha, cho thu nhập lên tới 100 triệu đồng/ha/vụ.

Bên cạnh giá trị kinh tế chính từ củ gừng, phụ phẩm như xơ và bã sau chế biến cũng đang được tận dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu sản xuất dược phẩm. Điều này không chỉ giúp giảm lãng phí, mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.

Ngoài ra, gừng còn giúp tạo sinh kế ổn định cho người dân nông thôn, đặc biệt là lao động nữ và người lớn tuổi. Việc hình thành các vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp xuất khẩu đang mang lại chuỗi giá trị khép kín, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.