Theo kế hoạch, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức phiên chào bán cạnh tranh cả lô 10,5 triệu cổ phần của Tổng CTCP Thăng Long (Mã TTL - HNX) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu vào ngày 10/8/2022.

Được biết giá khởi điểm của cả lô cổ phiếu trên là 194,5 tỷ đồng - tương ứng mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (16h ngày 3/8/2022) không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua chào bán cạnh tranh cả lô cổ phần của công ty. Như vậy, phiên thoái toàn bộ vốn khỏi TTL của SCIC đã diễn ra bất thành.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đầu tư và Xây dựng TNG vẫn là công ty mẹ nắm giữ 50,1% vốn tại TTL. Xếp ngay sau lần lượt là SCIC và ngân hàng SHB với tỷ lệ 25,05 và 7,16 % vốn.

Tại báo cáo tài chính quý II/2022 công bố mới đây, TTL ghi nhận doanh thu tăng mạnh 21% YoY lên mức 320 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đạt 527 tỷ (cùng kỳ chỉ đạt 444 ty đồng).

Lợi nhuận sau thuế quý II thu về hơn 4,3 tỷ đồng - giảm 58% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế bán niên thu về 10,5 tỷ đồng.

Năm 2022, Tổng CTCP Thăng Long đặt mục tiêu doanh thu 1.462 tỷ và lợi nhuận trước thuế 9,12 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty mới hoàn thành lần lượt 36% chi tiêu doanh thu song đã vượt 28% chỉ tiêu lãi trước thuế.

kqkd-cua-tong-ctcp-thang-long-tu-quy-i_2020-den-nay.png

Theo ghi nhận tại thời điểm quý II/2022, doanh thu của TTL đã tăng từ 3 - 4 lần so với thời điểm quý I/2020. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu của TTL là khá bấp bênh và tỷ lệ nghịch với khoản lợi nhuận thu về (trung bình chỉ lãi từ 3 - 5 tỷ đồng/năm).

Quý II/2021 dù chỉ báo doanh thu 265 tỷ đồng song công ty lại thu về khoản lãi kỷ lục so với 5 quý trước đó (đạt hơn 10 tỷ). Quý IV/2021, khoản doanh thu tăng mạnh lên mức 445 tỷ đồng song lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 1 tỷ.

Nguyên nhân được chỉ ra là do giá vốn của doanh nghiệp luôn duy trì ở ngưỡng trên 90% doanh thu; chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp thường xuyên ở mức cao khiến TTL chỉ thu về các khoản lãi còi sau mỗi quý.

Tính đến ngày 30/6/2022, khoản nợ phải trả của Thăng Long tiếp tục tăng mạnh lên mức 1.860 tỷ đồng với 93% là nợ ngắn hạn (khoản vay nợ tài chính tăng lên mức 490 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu và tổng tài sàn lần lượt ở mức 618 tỷ và 2.478 tỷ đồng.

Tổng CTCP Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập năm 1973. Hiện công ty có vốn điều lệ là 419 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực như: Xây dựng công trình đường sắt và đường bộ; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác; sản xuất các cấu kiện kim loại; xây dựng nhà các loại,...