Bức tranh ngành cảng biển năm 2020: Kinh doanh phân hóa theo từng miền

Cập nhật: 12:36 | 25/02/2021 Theo dõi KTCK trên

Kết thúc năm 2020, các doanh nghiệp cảng biển đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 cũng như lũy kế cả năm 2020. Trong đó những doanh nghiệp cảng miền Nam được hưởng lợi khá nhiều từ hiệu suất của cảng Cái Mép - Thị Vải. Khu vực cảng biển miền Trung vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lụt và dịch bệnh hoành hành. Trong khi đó doanh nghiệp cảng biển miền Bắc lại ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Chứng khoán Đại Nam lên kế hoạch lãi gấp 7 lần năm ngoái

Phiên sáng 25/2/2021: Cầu đuối sức, VN-Index về dưới tham chiếu

Doanh nghiệp cảng biển phía Bắc kinh doanh ảm đạm

Theo phân tích của Chứng khoán SSI, các cảng biển phía Bắc và vận tải nội địa chịu ảnh hưởng do Chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch. Kể từ năm 2019, hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được khuyến khích chuyển từ đường tiểu ngạch sang đường chính ngạch, khiến phương thức vận tải thay đổi. Thay vì vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc bằng đường thủy và từ miền Bắc sang Trung Quốc theo đường bộ, một lượng lớn hàng hóa được chuyển thẳng từ miền Nam sang Trung Quốc bằng đường thủy. Việc thay đổi tuyến vận chuyển đã làm giảm đáng kể sản lượng hàng hóa xếp dỡ, đặc biệt là container đông lạnh tại các cảng miền Bắc như Hải Phòng.

Do đó, tổng sản lượng container của khu vực Hải Phòng gần như không đổi trong năm 2020, trong khi các cảng miền Nam tăng trưởng cao 15% so với năm trước. Điều này cũng làm giảm nhu cầu đối với tuyến vận tải biển nội địa chiều Nam - Bắc, dẫn đến giá cước tuyến này giảm đáng kể.

2509-cyng-biyn
Kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp cảng biển.

Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) là thương cảng lớn nhất khu vực miền Bắc, năm 2020 ghi nhận doanh thu hợp nhất xấp xỉ kết quả năm 2019, với doanh thu đạt 1.147 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 324 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả năm 2020 cũng chỉ mới đạt được hơn một nửa cả về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm.

CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) là đơn vị có hệ thống bãi container lớn hang đầu khu vực Hải Phòng, ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt 1.688 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng 4% lên 296 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cảng biển miền Trung vẫn có kết quả kinh doanh tích cực

Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN) ghi nhận doanh thu năm 2020 tăng 9,8% lên hơn 904 tỷ đồng. Trong đó, hàng container qua cảng đạt khoảng 557.000 Teus, cao hơn 17% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm vừa qua là 209 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2019.

Tính riêng quý IV/2020 thì đây là quý đóng góp nhiều nhất vào mức tăng doanh thu năm của công ty.

Đầu tháng 1/2021 vừa qua, công ty cũng đã ký hợp đồng nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP trong vòng 5 năm.

CTCP Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) ghi nhận lãi tăng trưởng hơn 13% so với năm 2019. Công ty lý giải nguyên nhân là sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2020 đã tăng gần 21% so với cùng kỳ. Đồng thời doanh thu khai thác cảng đã tăng 10%.

Doanh nghiệp cảng biển miền Nam gần khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải kinh doanh khả quan

Trong khu vực cảng miền Nam, CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) cũng báo lãi ròng tăng gần 13% lên 233 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên công ty vẫn ôm lỗ lũy kế 72 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, dù đã giảm đáng kể so với khoản lỗ 297 tỷ đồng hồi đầu năm.

Bức tranh ngành cảng biển năm 2020: Kinh doanh phân hóa theo từng miền
(Nguồn: tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Năm 2020, Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) ghi nhận doanh thu tăng 7% lên gần 794 tỷ đồng và 159 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đồng thời vượt 11% mục tiêu lãi ròng năm 2020.

Riêng trong quý IV/2020, tổng doanh thu đã tăng 11,67%, trong đó doanh thu hoạt động khai thác cảng tăng 11,82%.

Cảng Đồng Nai cho biết, doanh thu hoạt động khai thác quý IV/2020 tăng ngoài việc dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thì việc tạm dừng trạm thu phí tại Cầu Đồng Nai từ ngày 24/8 đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh khai thác hàng container khu vực TP HCM và Bình Dương, khiến sản lượng ngành hàng container tăng 19,2% so với cùng kỳ.

Cả năm 2020, CTCP Gemadept (Mã: GMD) có doanh thu thuần tương đương với năm trước đó, ở mức 2.604 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế giảm 29% so với năm 2019 xuống còn 438 tỷ đồng. Đây là năm công ty báo lãi thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.

Nguyên nhân chính không đến từ hoạt động kinh doanh thuần mà đến từ lãi thanh lý các khoản đầu tư giảm, kéo doanh thu hoạt động tài chính giảm 74%. Ngoài ra, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng giảm 32% so với cùng kỳ.

Tương tự như Gemadept, CTCP Cảng Cần Thơ (Mã: CCT) cũng giữ được khoản doanh thu thuần tương đương với năm 2019, dù lợi nhuận giảm đến 75% do mức giảm của khoản lợi nhuận khác.

Hoàng Hà (t/h)

Tin cũ hơn
Xem thêm