Ngoài ra, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý III và quý IV/2022 khi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng cao đồng thời các doanh nghiệp hoạt động trở lại với công suất cao.

Chính phủ xác định năm 2022 là năm quan trọng để tạo đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế - xã hội hiện đang phải đối mặt với 2 vấn đề: Giá cả và thiếu hụt tức thời về lực lượng lao động trong đó chi phí đầu vào, nguyên nhiên vật liệu đều tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu thì vẫn đang trong tình trạng “tắc nghẽn” khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.

Với lực lượng lao động, sau đại dịch xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động và phải mất một thời gian dài để khôi phục lượng lao động này. Những lao động đã có tay nghề sau dịch COVID-19 đã về quê hoặc chuyển sang các công việc khác nên dẫn đến sự thiếu hụt tại một số ngành, nghề. Đây cũng là vấn đề của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ở thời điểm quý I/2022 đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương, khu vực, ngành nghề đã có tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, sự thiếu hụt lao động cục bộ lên đến khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%. Lượng lao động thiếu hụt chủ yếu là lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Liên quan đến lực lượng lao động, đại diện Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cũng cho biết hiện đã có hướng dẫn để giải ngân khoản hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên nhiều địa phương chưa giải ngân hoặc yêu cầu người lao động cần có xác nhận của cấp xã, phường bên cạnh xác nhận từ chủ nhà trọ. Điều này gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Bên cạnh vấn đề thiếu hụt lao động thì vấn đề lạm phát cũng được dự báo có khả năng bùng nổ vào những tháng của quý III và quý IV tới.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008, khi đó, lạm phát lên tới 9,2%.

Trước đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xác định 5 động lực chính của sự gia tăng lạm phát hiện nay:

Thứ nhất, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng do nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch;

Thứ hai, sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa: chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch, và một phần hiệu ứng này có thể kéo dài do những thay đổi trong xã hội - ví dụ, sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa;

Thứ ba, mở rộng tài khóa: khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được phân bổ để chống lại đại dịch trên khắp thế giới (hầu hết trong số đó là ở các nền kinh tế phát triển);

Thứ tư, thiếu hụt lao động: sự tham gia của lực lượng lao động ở một số quốc gia vẫn còn dưới mức trước đại dịch. Ví dụ, ở Mỹ, là 1,5%, tương đương 4 triệu lao động;

Thứ năm, xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến những cú sốc về nguồn cung trên thị trường năng lượng và thực phẩm: Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn tại các thị trường này.

Đối với Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thành công của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát 6 tháng đầu năm.

Từ đầu năm đến nay có nhiều yếu tố tác động làm tăng CPI như giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 6 tháng tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở,… cũng tăng tác động đến CPI.

Tuy nhiên, căng thẳng vẫn chưa dừng lại trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, tình hình giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới do đó sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự này, chuỗi cung ứng tắc nghẽn, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Có thể nhận thấy lạm phát khả năng lớn sẽ bùng phát trong những tháng tiếp theo của 2 quý III/2022 và quý IV/2022. Đây sẽ là áp lực rất lớn cho Chính phủ trong việc điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như điều tiết hàng hóa sắp tới.