Cốt lõi trong chiến lược sạc xe điện của Trung Quốc là mô hình “phủ sóng toàn diện” trạm sạc công cộng. Những trụ sạc được đặt tại bãi đỗ xe của trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, điểm dừng chân trên cao tốc, thậm chí tại các khu vực giải trí ngoài thành phố. Cách làm này đảm bảo rằng người dùng luôn có thể dễ dàng tìm thấy một điểm sạc trong bán kính vài trăm mét, yếu tố then chốt giúp giảm bớt lo lắng về phạm vi di chuyển hay tình trạng “chết pin giữa đường”.
Tuy nhiên, xây dựng hệ sinh thái sạc này không rẻ. Mỗi trụ sạc công cộng có thể tiêu tốn đến 120 triệu đồng, trong khi lợi nhuận thường mỏng do giá điện bị nhà nước kiểm soát ở mức ưu đãi để khuyến khích người dân dùng xe điện. Để cân bằng lợi ích, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các hỗ trợ dài hạn như hợp đồng thuê đất tối thiểu 10 năm, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư hạ tầng.
![]() |
Để người dân an tâm sử dụng xe điện, Trung Quốc cho “phủ sóng toàn diện” trạm sạc công cộng. Ảnh minh họa |
Song song với mạng lưới sạc cắm điện, mô hình đổi pin cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Thay vì phải chờ đợi từ 3 đến 8 tiếng để sạc đầy, người dùng chỉ cần vài phút để đổi viên pin đã cạn lấy pin mới tại các trạm đổi pin tự động.
Chiến lược này không chỉ mang lại tốc độ mà còn giảm giá thành sở hữu xe điện. Bằng cách tách riêng chi phí pin khỏi xe – vốn chiếm gần 1/3 tổng giá trị – các hãng cho phép người tiêu dùng chỉ thuê pin theo tháng, hoặc trả phí mỗi lần đổi. Điều này đồng thời giải quyết luôn nỗi lo tuổi thọ pin và chi phí thay thế sau vài năm sử dụng.
Với xe máy điện, quá trình đổi pin càng trở nên đơn giản, thường chỉ mất từ 1 đến 3 phút và có thể thực hiện ngay tại các trạm gần khu dân cư.
Thách thức lớn nhất vẫn nằm ở các khu chung cư, nơi mật độ cư dân cao, không gian hạn chế và hệ thống điện ban đầu không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc số lượng lớn.
![]() |
Tại các tòa chung cư, Trung Quốc quy hoạch hạ tầng sạc ngay từ khi thiết kế dự án. Ảnh minh họa |
Để xử lý tận gốc, Trung Quốc áp dụng chính sách quy hoạch hạ tầng sạc ngay từ giai đoạn thiết kế dự án. Tại Bắc Kinh, các toà nhà mới bắt buộc phải dành ít nhất 40% chỗ đỗ xe có khả năng lắp trạm sạc và con số này ở các khu nhà ở xã hội là từ 18–30%, tùy quy mô. Đặc biệt, các trạm sạc phải được bố trí trên mặt đất, tránh tầng hầm sâu để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Còn với những chung cư cũ, nơi khó tích hợp hạ tầng mới, chính quyền chọn cách tiếp cận linh hoạt. Thay vì lắp sạc trong tòa nhà, họ thiết kế các khu vực sạc công cộng nằm sát bên ngoài khu dân cư. Cách làm này không chỉ giảm thiểu nguy cơ cháy nổ mà còn đảm bảo người dân vẫn thuận tiện khi cần sạc pin.
Ngoài quy hoạch và công nghệ, Trung Quốc còn thiết lập các quy tắc vận hành rõ ràng. Người dân được khuyến cáo không sạc xe ngay sau khi sử dụng (để pin nguội khoảng 20 phút), chỉ sạc trong nơi khô ráo, không sạc quá 8 giờ liên tục và tuyệt đối không để xe sạc qua đêm khi không có giám sát.
Tại một số khu dân cư, ban quản lý còn ban hành giờ sạc cố định và chủ động ngắt thiết bị sau 23h để đảm bảo an toàn. Chính quyền đóng vai trò trung gian, thúc đẩy sự hợp tác giữa các công ty sạc và ban quản lý chung cư, giúp phân chia chi phí và lợi ích một cách bền vững.