Cận Tết Nguyên đán, xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng lừa đảo nhằm vào giao dịch ngân hàng điện tử để chiếm đoạt tài sản. Các phương thức chủ yếu là nhờ chuyển tiền qua tài khoản, giả danh nhân viên ngân hàng mời gọi các khoản vay hấp dẫn, thông báo hình thức trúng thưởng, nhận quà từ nước ngoài...

Trong đó phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay là gửi thông tin gây hoang mang, kèm đường dẫn tới website làm giả giao diện ngân hàng. Lúc đó, chủ tài khoản có thể bất cẩn bấm vào đường dẫn và khai báo thông tin tài khoản, cung cấp mã xác thực OTP để kẻ gian thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, dữ liệu cá nhân.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) đến người dùng. Kẻ xấu có thể dụ dỗ chủ tài khoản nhập tên, mật khẩu và OTP vào website giả mạo, có giao diện giống hệt ứng dụng của ACB, từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

ACB khuyến cáo người dùng không bấm vào đường link giả mạo ngân hàng hoặc bên thứ 3, không cung cấp thông tin trên website lạ và chỉ giao dịch trên ứng dụng chính thức. Ngân hàng khẳng định không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân qua SMS, email, số điện thoại hoặc website.

Tuy nhiên, nếu khách hàng đã lỡ tay nhấn vào đường link giả mạo cũng như đã thực hiện khai báo đăng nhập, cung cấp mã OTP… cần nhanh chóng đăng nhập vào trang Internet Banking hoặc Mobile Banking chính thức của ngân hàng.

Tiếp đến, chủ tài khoản phải nhập sai mật khẩu thật nhiều lần cho tới khi nhận được thông báo của ngân hàng là tài khoản của mình đã bị tạm khóa. Sau bước này, người dùng có thể liên hệ với bộ phận hỗ trợ của ngân hàng để được hướng dẫn xử lý.

Thao tác xử lý như trên có thể tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn so với việc gọi tổng đài của ngân hàng yêu cầu khóa tài khoản trực tuyến do không phải trải qua các bước khai báo thông tin nhằm xác minh chính chủ khá tốn thời gian. Với việc chủ động khóa nhanh như hướng dẫn trên, kẻ gian sẽ có ít cơ hội hơn để xâm nhập dữ liệu cũng như thực hiện giao dịch chuyển tiền sang tài khoản khác.

Thực tế, hệ thống của các ngân hàng thường cho phép chủ tài khoản nhập sai thông tin đăng nhập, mật khẩu 5 hoặc 3 lần (mật khẩu dùng một lần được gửi qua email hoặc số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng). Tài khoản sẽ bị khóa truy cập nếu nhập sai thông tin quá số lần cho phép. Khi đó, chủ tài khoản buộc phải liên hệ với ngân hàng để đưa bằng chứng xác thực nhằm mở lại quyền truy cập.

Cách xử lý khi bị lừa đảo, chuyển tiền nhầm ngày Tết

Ngoài ra, dịp giáp Tết cũng là lúc nhu cầu thanh toán và chuyển tiền tăng cao. Theo đó, không ít người đã bất cẩn chuyển nhầm địa chỉ, dẫn đến nguy cơ mất tiền. Thế nhưng người chuyển tiền vẫn có cách thức đòi lại nếu bên nhận có thiện chí trả.

Một lãnh đạo của Vietcombank cho rằng tần suất chuyển tiền online vào dịp cuối năm ngày càng tăng, thường dẫn đến khá nhiều vụ chuyển tiền nhầm. Khi đó, ngân hàng không thể cung cấp thông tin người nhận tiền vì pháp luật không cho phép. Ngân hàng cũng không được tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận.

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn hỗ trợ người chuyển tiền nhầm bằng cách liên hệ với người nhận, động viên họ trả lại. Trường hợp người nhận tiền không trả thì ngân hàng sẽ có văn bản thông báo xác nhận việc chuyển nhầm. Khi đó, người chuyển tiền có thể tố cáo người nhận tiền với cơ quan công an.

Để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, theo cơ quan công an, khi nhận được tiền do người lạ chuyển khoản, người nhận không được sử dụng số tiền đó và nếu thật sự là tiền chuyển nhầm sẽ có ngân hàng liên hệ để làm rõ.

Nếu là số tiền nhỏ, người nhận có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp bản sao kê để đối chiếu thông tin nhận được và tiến hành chuyển trả lại. Nếu là số tiền lớn, người nhận cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để xác minh. Trường hợp nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để được xử lý theo quy định.