Chân dung NANOGEN, doanh nghiệp sản xuất vắc xin Covid-19 "made in Vietnam"

Cập nhật: 17:46 | 10/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Thông tin đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay (10/12/2020) chắc chắc là việc CTCP Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN phối hợp với Bộ Y tế, Học Viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Covid-19 - NANO COVAX do Công ty NANOGEN nghiên cứu và sản xuất.

HAGL Agrico miễn nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc trước thềm ĐHĐCĐ bất thường

Được giao quản lý khối tài sản nghìn tỷ tại 22 sân bay, ACV “rộng đường” chuyển niêm yết HOSE?

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin NANO COVAX có thể đạt 90%

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến ngày 24/9/2020, có 187 loại vắc xin Covid-19 đang triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới.

Trong đó có 38 vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (9 vắc xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3; 3 vắc xin trong giai đoạn 2; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn 1), 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.

Từ tháng 5/2020, Công ty NANOGEN đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học - Công nghệ. Vắc xin Covid-19, có tên gọi NANO COVAX, được phát triển theo công nghệ protein tái tổ hợp.

Đại diện NANOGEN cho biết, nhược điểm của loại vắc xin này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào, nhưng ưu đểm lớn nhất của vắc xin NANO COVAX là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2 độ C – 8 độ C).

Sau quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột Balb/c, chuột Hamster và khỉ cho quả rất tốt, CTCP Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đã nộp hồ sơ xin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 trên người.

2006-nano-1
Vắc xin phòng Covid-19 do Công ty NANOGEN sản xuất chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 17/12/2020. (Ảnh: VTV.vn)

Sang bước thử nghiệm lâm sàng, vắc xin Covid-19 sẽ thử nghiệm qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ thử nghiệm trên khoảng 60 tình nguyện viên; Giai đoạn 2 thử nghiệm trên 400-600 người (12-75 tuổi); Giai đoạn 3 thử nghiệm trên 10.000 - 30.000 người.

Theo kế hoạch tới khoảng quý 4/2021 sẽ hoàn thành kế hoạch thử nghiệm lâm sàng.

Theo Báo Dân Trí, TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển, Công ty NANOGEN đặt mục tiêu cho vắc xin Covid-19 của mình có hiệu quả bảo vệ sẽ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới là trên 90% người được tiêm có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch.

“Bắt mạch” NANOGEN

Tại Việt Nam, hiện có bốn nhà sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu , sản xuất, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và CTCP Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Trong 4 đơn vị kể trên thì NANOGEN là đơn vị có bước tiến xa nhất khi đã hoàn thiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm và bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người.

Theo tìm hiểu, NANOGEN được thành lập từ tháng 9/1997, trụ sở đặt tại quận 9, TP HCM. Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu.

Người đại diện pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc NANOGEN là ông Hồ Nhân, sinh năm 1966. Ông Nhân lớn lên ở New York và lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona.

NANOGEN được thành lập với loại hình công ty cổ phần. Vốn góp ban đầu là 200 tỷ đồng, đều là nguồn vốn tư nhân. Trong đó, cổ đông sáng lập gồm ông Hồ Nhân, góp 140 tỷ đồng, nắm giữ 70% cổ phần công ty; bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ ông Nhân góp 50 tỷ đồng, giữ 25% cổ phần và cuối cùng là ông Hồ Vũ Thành góp 10 tỷ đồng, sở hữu 5% cổ phần công ty.

Sau nhiều lần tăng vốn, NANOGEN hiện có vốn điều lệ 715 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty này thực hiện tăng vốn từ mức 650 tỷ đồng thông qua chào bán nhà đầu tư nước ngoài. Với số tiền thu về gần 464 tỷ đồng, định giá NANOGEN đạt khoảng 5.100 tỷ đồng (220 triệu USD). Mức định giá này nằm trong số những công ty top đầu ngành dược trên sàn chứng khoán, gần ngang ngửa với Pymepharco 5.600 tỷ đồng.

4056-yynh-gia

Năm 2010, NANOGEN vấp phải vụ kiện của tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo họ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và siêu vi C năm 2010. Khi đó, ông Nhân khẳng định mình không vi phạm quyền được bảo hộ trí tuệ sản phẩm của Roche. Trong khi đó, với cùng chức năng điều trị nhưng thuốc tiêm Pegnano của NANOGEN có giá bán chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập.

3047-nanogen

Về hiệu quả kinh doanh, doanh thu hàng năm của NANOGEN không có quá nhiều biến động trong những năm gần đây. Riêng 2019, NANOGEN đạt doanh thu cao nhất 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó.

Biên lợi nhuận gộp hàng năm của NANOGEN dao động 44% - 60% trong giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại có chiều hướng sụt giảm trong những năm gần đây.

Đáng chú ý năm 2019 NANOGEN báo lỗ tới 26 tỷ đồng khi biên lợi nhuận sụt giảm, đây cũng trùng với thời điểm doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 650 tỷ đồng lên 715 tỷ đồng.

Trong năm 2019, giá vốn của công ty bất ngờ tăng mạnh khiến biên lãi gộp giảm từ 60% năm 2018 xuống còn 44%. Nhiều khả năng, công ty đã trích khấu hao lớn trong năm 2019 sau khi đầu tư lớn vào tài sản cố định.

Tổng tài sản của NANOGEN tính đến 31/12/2019 là 1.369 tỷ đồng, tăng đến 38% so với hồi đầu năm.

NANOGEN hoạt động dựa chủ yếu trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp.

Công suất hiện tại sản xuất hai triệu liều/năm

Ông Hồ Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NANOGEN cho biết, công suất hiện tại của công ty có thể sản xuất hai triệu liều/năm. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, công ty vừa sản xuất, vừa nâng cấp nhà máy để tối xu hóa công suất lên 20 triệu - 30 triệu liều/năm. Công suất lý tưởng là 50 triệu liều/năm.

"Đây là vắc xin đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vắc xin Covid-19 “made in Vietnam " đầu tiên đưa ra thị trường. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể sản xuất vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất", ông Hồ Nhân nói.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế bày tỏ: Việc thử nghiệm vắc xin thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý mà còn phụ thuộc nhiều vào cộng đồng chung, toàn xã hội. Chúng tôi kêu gọi sự chung tay của xã hội, của người dân với ngành y tế để có chương trình nghiên cứu an toàn, bảo đảm tính hiệu quả và có một sản phẩm vắc xin an toàn, hiệu quả phục vụ cho cộng đồng.

Hoàng Hà (t/h)