Theo Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE), trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của nước này đạt 5,28 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Mỹ, EU, Canada và Nhật Bản.

Phát biểu trên tờ Khmer Times, ông Penn Sovicheat – người phát ngôn Bộ Thương mại Campuchia cho biết mức tăng trưởng trên đến từ nhu cầu dệt may toàn cầu tăng cao. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với bất ổn sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 36% đối với hàng nhập khẩu từ Campuchia, có hiệu lực từ ngày 1/8, dù đã giảm so với mức 49% trước đó.

Chỉ trong 6 tháng, Campuchia thu hơn 5 tỷ USD từ một ngành hàng, Việt Nam thu gấp 4 lần
Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia trong nửa đầu năm 2025 đạt 5,28 tỷ USD.

Để đối phó, Campuchia đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE và đặc biệt là các đối tác trong Hiệp định RCEP. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, nhưng chiến lược mở rộng đang được thúc đẩy để đảm bảo phát triển bền vững cho ngành sản xuất.

Dệt may là một ngành kinh tế mũi nhọn tại Campuchia, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, phần lớn là nữ giới. Tuy nhiên, ngành đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam – nơi có lợi thế về công nghệ, trình độ nhân lực và hạ tầng sản xuất.

Trong nửa đầu năm 2025, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực, với kim ngạch xuất khẩu gần 22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 8,77 tỷ USD (tăng 17,1%), theo sau là EU và Nhật Bản. Các sản phẩm dệt may Việt Nam hiện đã có mặt tại 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện rõ vị thế quốc tế của ngành.

Chỉ trong 6 tháng, Campuchia thu hơn 5 tỷ USD từ một ngành hàng, Việt Nam thu gấp 4 lần
Ngành dệt may Việt Nam thu gần 22 tỷ USD từ xuất khẩu trong nửa đầu năm.

Theo các chuyên gia, với đà tăng trưởng trên 10%, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 có thể bứt phá, tạo nền tảng để đạt mục tiêu 46–47 tỷ USD cho cả năm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp cần tận dụng tốt lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời có chiến lược thích ứng với những biến động trong chính sách thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, việc xây dựng kênh thông tin thị trường, khai thác hiệu quả chính sách xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế... là những yếu tố then chốt nhằm giảm thiểu rủi ro và vượt qua thách thức từ sự thay đổi của các thị trường lớn.