CTCP Chứng khoán VPBank - VPBank Securities (VPS) vừa công bố biên bản và nghị quyết cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 24/10/2022 với thông tin đáng chú ý liên quan đến việc tăng vốn.

Cụ thể, VPS dự kiến chào bán 608 triệu cổ phần. Cổ đông hiện hữu có trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần sẽ được đăng ký mua theo phương thức phân phối quyền ưu tiên mua với tỷ lệ chào bán là 1:0,6816.

Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 4/2022 - I/2023 sau khi UBCKNN chấp thuận. Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, tương ứng số tiền huy động dự kiến đạt 6.080 tỷ đồng

Về phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, VPS cho biết sẽ bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán (30%), hoạt động tự doanh (60%) và hoạt động khác (10%).

Nếu kế hoạch được triển khai thành công, vốn điều lệ của VPBank Securities sẽ tăng từ 8.920 tỷ đồng lên mức 15.000 tỷ đồng, theo đó sẽ vượt qua SSI (14.911 tỷ đồng) hay VND (12.178 tỷ đồng) để trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, VPS hiện giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE với thị phần quý 3/2022 đạt 18,71%. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp VPS đạt vị trí thị phần số 1 sàn HOSE.

Chốt chào bán 608 triệu cổ phần, VPS sẽ vượt SSI thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất?
VPS sẽ vượt SSI thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất?

Về kết quả kinh doanh, mới đây, VPS công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với mức lãi sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ bất chấp việc lỗ nặng mảng tự doanh.

Theo đó, trong quý, VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.316 tỷ đồng - giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021 trong đó thu từ môi giới giảm 25% xuống còn 635 tỷ đồng; lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 84% còn gần 5,5 tỷ đồng; thu từ hoạt động tư vấn giảm mạnh 97% từ 222 tỷ còn gần 7 tỷ đồng.

Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu gần 308 tỷ đồng (tăng 28%) và khoản thu nhập khác tăng gấp 3,3 lần YoY lên mức 166 tỷ đồng.

Tại mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 11% so với cùng kỳ còn 1.180 tỷ đồng trong khi lỗ tài sản FVTPL ở mức 1.233 tỷ đồng. Trừ đi 98 tỷ đồng chi phí, VPS báo lỗ ròng mảng tự doanh hơn 150 tỷ đồng trong quý 3/2022.

Trong kỳ, chi phí hoạt động giảm 16% so với cùng kỳ còn 1.884 tỷ đồng trong đó chi phí tư vấn giảm tới 97% còn 2 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 45% còn hơn 105 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng giảm 13%.

Sau cùng, VPS báo lãi trước thuế quý 3 gần 330 tỷ đồng và sau thuế gần 264 tỷ đồng; lần lượt tăng 9% và 10% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, VPS báo tổng doanh thu đạt gần 7.029 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức 912 tỷ đồng - tương ứng thực hiện 76% kế hoạch lợi nhuận năm; lãi sau thuế tăng 21% YoY lên gần 730 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của của VPS giảm 35% so với đầu năm còn gần 17.529 tỷ đồng trong đó giá trị danh mục FVTPL có giá hợp lý gần 5.840 tỷ đồng - tăng 43%; dư nợ cho vay tăng 20% lên gần 8.402 tỷ đồng (bao gồm 7.953 tỷ dư nợ margin - giảm 11% so với đầu năm và gần 450 tỷ đồng giá trị ứng trước tiền bán cho khách).

Về nợ phải trả, công ty đang ghi nhận mức nợ cuối kỳ hơn 9.130 tỷ đồng - giảm tới 52% so với đầu năm. Trong số này, có tới hơn 7.750 tỷ đồng là vay nợ ngắn hạn - giảm 49%.

Trên thị trường chứng khoán, VPS tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE với thị phần quý 3/2022 đạt 18,71%. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp VPS đạt vị trí thị phần số 1 sàn HOSE.

Tại ngày 30/9/2022, nhà đầu tư đang gửi hơn 18.400 tỷ đồng tại VPS - giảm hơn 3.200 tỷ đồng so với mức 21.600 đồng ghi nhận hồi cuối quý 2/2022.