Ngày 21/6/2022, hình ảnh thể hiện tiêu đề của một bài viết, với nội dung: "Công ty Cổ phần Mai táng Hải Phòng - CPH: Chia cổ tức cho cổ đông bằng hình thức hỗ trợ 100% dịch vụ mai táng" bất ngờ xuất hiện lan truyền trên mạng xã hội.

mthp3.png
Ảnh chụp màn hình

Thông tin xuất hiện đã ngay lập tức gây chú ý đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi đón nhận cả ngàn lượt tương tác

mthp4.png
mthp5.png
mthp6.png
Vẫn có những tài khoản cho rằng đây là thông tin không đúng sự thật
mthp7.png
mthp8.png
mthp9.png
mthp0.png

Thực hư ra sao?

Qua xác minh, hình ảnh trên đã lan truyền thông tin giả, không phải do trang tin này thực hiện.

mthp.png
Nội dung về chia cổ tức thể hiện trong nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022 của Mai táng Hải Phòng

Thực tế, theo tìm hiểu tại nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022 của Mai táng Hải Phòng có nêu rõ, các cổ đông của CTCP Phục vụ mai táng Hải Phòng đã thống nhất tỉ lệ trả cổ tức bằng tiền dự kiến năm 2022 là 16,1%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được cổ tức 1.610 đồng. Nguồn chi trả từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp.

Trước đó ngày 3/6 vừa qua doanh nghiệp này cũng thực hiện trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với cùng tỷ lệ 16,4%/cổ phiếu. Tổng số tiền chi trả hơn 7,2 tỷ đồng/4,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Được biết CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực mai táng niêm yết trên chứng khoán (tháng 2/2017) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. 

Hiện tại mã CPH của doanh nghiệp này đang neo ở giá 300 đồng/cổ phiếu - thuộc top 5 mã có thị giá thấp nhất thị trường chứng khoán. Cổ phiếu này cũng hiếm khi xuất hiện giao dịch nên có trường hợp nhà đầu tư đặt mua nhưng không có người bán.

Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp liên tục duy trì doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm trong đó riêng năm 2021, CPH ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 112 tỷ đồng - tăng gần 3% so với năm trước; lãi sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng - đây cũng là mức lãi kể từ năm 2016.

Có nên gom cổ phiếu "trà đá" chờ thời?

Trong cơn lao dốc của thị trường chứng khoán kể từ tháng 4/2022 đến nay, tính đến hết phiên 20/6, toàn thị trường hiện có 194 mã cổ phiếu có thị giá dưới 5.000 đồng (sàn HOSE 20 mã, sàn HNX 28 mã, sàn UPCoM 146 mã).

Sàn UPCoM hiện cũng có đến 16 mã thị giá dưới 1.000 đồng trong đó các mã đứng đầu bảng xếp hạng thị giá thấp lần lượt thuộc về DNN (Cấp nước Đà Nẵng, 200 đồng/cổ phiếu), PTG (May xuất khẩu Phan Thiết, 200 đồng/cổ phiếu), CPH (Mai táng Hải Phòng, 300 đồng/cổ phiếu) và X77 (Thành An 77, 300 đồng/cổ phiếu).

Khi cổ phiếu rơi xuống vùng giá thấp, bên cạnh những người chỉ muốn cắt lỗ, vẫn có người kháo nhau mua vào.

"Giá thấp quá rồi, đang rẻ, tính gom một ít hy vọng chục năm nữa ăn bằng lần", anh T.Nam (nhà đầu tư) chia sẻ, khi thấy cổ phiếu của Tập đoàn FLC hiện rơi xuống giá 3.920 đồng, tương đương giảm 83% so với mốc đỉnh hồi đầu năm. Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui vụ "bán chui" cổ phiếu và bị bắt giam vì thao túng chứng khoán, cổ phiếu "họ FLC" liên tục nằm sàn.

Ông Nguyễn Anh Vũ - giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho biết, một cổ phiếu có 4 loại giá: Mệnh giá, giá trị sổ sách, giá thị trường và giá trị nội tại.

"Nhìn lướt qua một cổ phiếu có giá 2.000 - 3.000 đồng thì thấp, nhưng rẻ hay không cũng phụ thuộc sức khỏe doanh nghiệp trong hiện tại và tiềm lực tương lai. Nếu doanh nghiệp làm ăn sa sút, mục rỗng bên trong, sắp bị hủy niêm yết, sắp phá sản... thì 2.000 - 3.000 đồng cũng chưa chắc rẻ, nhiều khi còn đắt", ông Vũ cho hay.

Trường hợp bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu thường lao dốc mạnh, thanh khoản chạm đáy, đôi khi không xuất hiện giao dịch, nhà đầu tư khó cắt lỗ, bị "chôn vốn". Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp phá sản thì nhà đầu tư phải chờ mòn mỏi để nhận được một phần tiền từ thanh lý tài sản.

Lựa chọn mua cổ phiếu đang bị giảm giá sâu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt, hay mua "cổ phiếu trà đá", "cổ phiếu rác", theo ông Vũ: "Tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Dĩ nhiên nếu đó là một doanh nghiệp có nội lực tốt, hoạt động trong ngành nghề hứa hẹn tiềm năng lợi nhuận cao, nếu nhà đầu tư nào đồng hành trong lúc doanh nghiệp khó khăn thì nhiều khả năng sẽ được đền đáp xứng đáng".

Chia sẻ tại Hội nghị Invest ASEAN, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đầu tư, kinh tế gia trưởng Dragon Capital cho biết: Vào năm 2012 khi lạm phát cao, nền kinh tế đi xuống, VN-Index chạm đáy 350 điểm, nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhưng hai quỹ đầu tư nổi tiếng nói rằng thị trường Việt Nam đang "ngồi trên mỏ vàng".

10 năm sau nhiều cổ phiếu đã tăng 30 - 50 lần, nhận định trên đã đúng. Hiện chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn khu vực, nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vẫn tăng, thị trường được nâng hạng, rõ ràng "chúng ta đang nằm trên mỏ vàng trong vòng 5 năm tới"".

Tuy nhiên, cần lưu ý vàng ròng chỉ dành cho người biết chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm và không phải lúc nào "rác" cũng hóa thành vàng.