CTCP Chứng khoán Everest (Mã EVS - HNX) ngày 23/11/2022 đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua thỏa thuận giữa công ty và người có liên quan.

Cụ thể, HĐQT Chứng khoán EVS đã thông qua việc giao dịch giữa công ty/người nội bộ là bà Vũ Hải Anh - Thành viên HĐQT với Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - Chi nhánh Hà Nội.

Nội dung đáng chú ý là thống nhất thỏa thuận về việc sử dụng cổ phiếu thuộc sở hữu của bà Vũ Hải Anh làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của Chứng khoán Everest tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân.

Số lượng cổ phiếu EVS (do bà Hải Anh nắm giữ) được thế chấp là 5.006.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng khoán, Everest hiện có tổng cộng 103 triệu cổ phiếu đang lưu hành song không có bất kỳ cổ đông lớn nào. Đáng nói, ghi nhận tại báo cáo quản trị bán niên 2022 hồi cuối tháng 7 vừa qua, phần thông tin liên quan đến tỷ lệ sở hữu của bà Hải Anh cũng không được thể hiện rõ.

Trong khi đó, ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3/2022, nợ phải trả của Chứng khoán Everest giảm hơn một nửa so với đầu năm còn 643 tỷ đồng trong đó có khoản vay tài chính ngắn hạn 315 tỷ (gấp hơn 2,6 lần đầu năm) và 239 tỷ đồng vay nợ trái phiếu - giảm tới 670 tỷ so với thời điểm đầu năm.

Thuyết minh chi tiết, công ty đang có dư nợ vay tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân với giá trị gần 150 tỷ đồng - tăng 15 tỷ so với mức đầu quý 3. Đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn này có mức lãi suất 10,7%/năm - cao hơn rất nhiều các khoản vay tài chính ngắn hạn được ghi nhận đến cuối quý.

Tuy nhiên, phía công ty không có thuyết minh thêm về hạn trả gốc cũng như tài sản đảm bảo cho khoản vay này.

Cuối tháng 10 vừa qua, HĐQT Chứng khoán Everest đã thông qua phương án phát hành phát hành 50.000 trái phiếu với tổng giá trị trái phiếu là 500 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có đảm bảo, lãi suất trên 10%, lĩnh lãi 12 tháng/lần.

Theo đó công ty dự kiến phải trả lãi gần 53 tỷ trong năm 2023 và gần 59 tỷ trong năm 2024 kèm theo 500 tỷ đồng nợ gốc vào cuối năm 2024.

Được biết, thời gian phát hành lô trái phiếu nêu trên dự kiến trong quý 4/2022 sau khi UBCKNN cấp giấy chứng nhận.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 của EVS đã chứng kiến sự đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý 3/2022 của Chứng khoán Everest đạt gần 88 tỷ đồng - giảm 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL đạt 40,5 tỷ đồng - giảm 80,8%; thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 16,7 tỷ đồng - giảm 53,7%.

Trong khi đó, chi phí hoạt động của Chứng khoán Everest ghi nhận 259 tỷ đồng trong quý này - tăng 14,6% YoY trong đó lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăng lên mức 224,8 tỷ đồng - chủ yếu đến từ việc đánh giá lại.

Sau trừ các khoản thuế phí, Chứng khoán Everest báo lợi nhuận sau thuế âm 146 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 27 tỷ. Đáng nói, đây cũng là mức lỗ cao nhất kể từ khi doanh nghiệp đổi tên đồng thời cũng là quý lỗ đầu tiên kể từ đầu năm 2020.

Danh mục đầu tư tự doanh của Chứng khoán Everest ghi nhận
tại BCTC quý 3/2022

Trở lại với danh mục đầu tư của Chứng khoán Everest, tại thời điểm cuối tháng 9, giá trị sổ sách của danh mục FVTPL hơn 999 tỷ đồng và giá trị thị trường là 1.011 tỷ đồng. So với thời điểm cuối tháng 6, danh mục tự doanh của Everest giảm với cổ phiếu và tăng với trái phiếu. Chi tiết

Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Chứng khoán Everest ở mức 2.484 tỷ đồng - giảm 236 tỷ đồng so với cuối quý 2. Dư nợ cho vay margin giảm từ 974,8 tỷ đồng (tại ngày 30/6) xuống còn hơn 631 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 25/11/2022, cổ phiếu EVS tăng 3,5% lên mức 11.800 đồng. Tuy nhiên, nếu tính từ mức 42.500 đồng hồi đầu năm, mã này đã giảm hơn 72% giá trị.

evs6.png