Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/10: Tín dụng bất động sản tăng gần 15% trong 8 tháng đầu năm

Cập nhật: 10:01 | 22/10/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Bản tin tài chính ngân hàng ngày 22/10/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những tin chính như sau: Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV sở hữu 43% tổng tài sản và 48% dư nợ cho vay toàn hệ thống, Tín dụng bất động sản tăng gần 15% trong 8 tháng đầu năm.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2210 tin dung bat dong san tang gan 15 trong 8 thang dau nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 21/10: Xử lí nợ xấu vướng từ qui định chồng chéo

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2210 tin dung bat dong san tang gan 15 trong 8 thang dau nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/10: Nguy cơ rửa tiền từ đồng tiền điện tử

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2210 tin dung bat dong san tang gan 15 trong 8 thang dau nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/10: Lãi trước thuế của ABBank đạt 856 tỉ đồng sau 9 tháng

Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV sở hữu 43% tổng tài sản và 48% dư nợ cho vay toàn hệ thống

Theo báo cáo gửi Quốc Hội của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 11,81 triệu tỉ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.

Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD.

Cụ thể, đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của 4 NHTMNN (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 5,081 triệu tỉ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống. Tổng vốn điều lệ đạt 139 nghìn tỉ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 (thị trường dân cư, tổ chức kinh tế) đạt 3,652 triệu tỉ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.

Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản có đạt 4,918 triệu tỉ đồng, tăng 8,0% so với cuối năm 2018; vốn điều lệ đạt 270 nghìn tỉ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 3,033 triệu tỉ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2018.

NHNN cho biết cơ quan này đang giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các NHTMNN, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.

Để tăng cường năng lực tài chính cho các NHTMNN, bảo đảm thực hiện đúng các qui định về tỉ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lí vấn đề tăng vốn cho các NHTMNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Agribank, NHNN tập trung chỉ đạo ngân hàng này và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các qui định pháp lí để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lí tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.

Đối với các NHTMCP, NHNN cho biết các đơn vị này đang tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt trong đó tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lí nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2210 tin dung bat dong san tang gan 15 trong 8 thang dau nam
Ảnh minh họa

Cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Anh: Tài chính thế giới dễ sụp đổ lần nữa

Theo báo The Guardian, tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington mới đây, cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, ông Mervyn King cho rằng thế giới không rút ra được bài học gì từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm.

Ông bổ sung thêm: Mỹ sẽ đối mặt với viễn cảnh "tận thế tài chính" nếu Cục Dự trữ liên bang (FED) không có đủ sức mạnh để xử lý một cuộc bán tháo nợ xấu khác.

Theo vị chuyên gia tài chính của Anh, bức tranh kinh tế - chính trị thế giới chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay, phủ bóng lên nó là cuộc thương chiến Mỹ - Trung; bạo loạn ở Hong Kong; một số nền kinh tế mới nổi quan trọng như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ gặp vấn đề; căng thẳng Pháp - Đức về tương lai đồng euro; chính trường Mỹ đấu nhau khốc liệt...

Ông King nhận định kinh tế thế giới bị kẹt trong cái bẫy tăng trưởng thấp, và sự hồi phục sau đợt khủng hoảng 2008 - 2009 yếu hơn so với giai đoạn sau cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.

"Rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng khác không nhỏ, lần này điểm nổ không phải là hệ thống ngân hàng Mỹ, mà là các hệ thống tài chính yếu kém khác trên thế giới.

Đã đến lúc FED và các ngân hàng trung ương thảo luận kín với các nhà làm chính sách để họ hiểu mức độ nguy hiểm nếu để xảy ra cuộc khủng hoảng mới" - ông King kêu gọi.

Năm 2020, kiểm toán Nhà nước tại NHNN và ba ngân hàng thương mại lớn

Theo báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết sẽ thực hiện 16 cuộc kiểm toán trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Ngân hàng nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được lựa chọn để thực hiện kiểm toán là các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP HCM,... là những tổ chức có hoạt động liên quan đến quản lí, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019.

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện đánh giá thực trạng công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, công tác quản lí tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.

KTNN cũng sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lí, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng có qui mô lớn (như Agribank, Vietcombank,...) để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lí, điều hành chính sách tiền tệ.

Qua đó, đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lí nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.

Tín dụng bất động sản tăng gần 15% trong 8 tháng đầu năm

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi đến các đại biểu Quốc hội cho biết đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế. Ước đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%.

Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 8,7%, chiếm tỉ trọng 0,4%. Trong khi tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%.

Phân loại tín dụng theo ngành, NHNN cho biết đến tháng 8/2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 6,76% so với cuối năm 2018, chiếm tỉ trọng 19,61%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, chiếm 14,98%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 7,61%, chiếm 9,66%. Trong khi đó, tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng 9,27%, chiếm 61,8%.

Đối với lĩnh vực ưu tiên, đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.

Báo cáo với Quốc hội, NHNN cho biết năm 2019 cơ quan này định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lí.

Cụ thể, cơ quan này đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tín dụng lành mạnh. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các qui định về tỉ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 (Basel II) và các TCTD hỗ trợ quĩ tín dụng nhân dân yếu kém…

"Trong quá trình điều hành, NHNN xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một số TCTD nhằm đảm bảo hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân", Báo cáo của NHNN cho hay.

Cùng với đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; Tăng cường quản lí rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông; Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và đưa ra lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm mở rộng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Chỉ đạo các TCTD đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, ngành chăn nuôi lợn, ngành hồ tiêu…

Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất tại Mỹ?

Một báo cáo vào năm 2018 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tiền giấy tiếp tục đánh bại phương thức thanh toán điện tử, chiếm khoảng 30% tất cả các giao dịch và hơn 50% doanh số dưới 10 USD. Và trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang phát triển như vũ bão, 77% thanh toán vẫn là trả tiền mặt trực tiếp.

Đầu năm nay, CreditCards.com cho biết tiền mặt là phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất, ngay cả với những người dùng thường xuyên mang thẻ tín dụng. Đối với các khoản thanh toán dưới 10 USD, 43% người mua hàng chọn thanh toán bằng tiền mặt so với 31% người chọn quẹt thẻ tín dụng và 26% sử dụng thẻ ghi nợ.

Một báo cáo vào năm 2018 trên Fox News cho biết chỉ 13% người trưởng thành ở Thụy Điển sử dụng tiền mặt trong giao dịch gần nhất, giảm từ 40% trong năm 2010. Nhiều người trưởng thành tại Mỹ cũng không mang theo nhiều tiền mặt.

Năm 2018, trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện khảo sát 13.000 người trưởng thành tại Mỹ và nhận thấy 1/2 trong số đó không mua hàng bằng tiền mặt trong một tuần gần nhất và tỉ lệ người thực hiện tất cả các giao dịch bằng tiền mặt đã giảm xuống còn 18% vào năm ngoái so với 24% vào năm 2015.

Các ngân hàng Mỹ cũng phát hiện xu hướng tương tự: Trong một cuộc khảo sát với 2.000 người Mỹ, 50% cho biết chỉ mang theo tiền mặt khoảng nửa thời gian ra ngoài và mỗi khi mang theo, 80% chỉ có dưới 50 USD trong ví.

Phần lớn những người tiên phong mở đường cho các nền tảng thanh toán điện tử và nói không với tiền mặt là giới trẻ. Họ ưa chuộng sử dụng các ứng dụng di động như Apple Pay, CashApp và Venmo. Hơn 1/10 giới trẻ sử dụng ví điện tử mỗi khi mua hàng, theo Experian, đặc biệt là khi thanh toán cho thực phẩm, tiền thuê dịch vụ hay gọi taxi.

Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang cho biết khoảng 20% hộ gia đình Mỹ hiện nay sử dụng rất ít các dịch vụ ngân hàng và 7% hoàn toàn không sử dụng.

Nhìn chung, rất nhiều người và nhiều thành phố đang chú ý tới vấn đề này. Philadelphia đã trở thành thành phố lớn đầu tiên tại Mỹ buộc các nhà bán lẻ phải chấp nhận tiền mặt. Các nhà lập pháp trên toàn lãnh thổ Mỹ cũng đang nỗ lực để thông qua những dự luật tương tự nhằm hỗ trợ nhóm người tiêu dùng không thông thạo công nghệ hay từ chối sử dụng dịch vụ ngân hàng.

"Dù xu hướng thanh toán từ tiền mặt sang ví điện tử là rất đáng chú ý", Rossman nói, "tiền mặt đến nay vẫn là số một".

Hoài Sơn