Tập đoàn FPT (FPT): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 144.660 đồng/cp

Chứng khoán Yuanta tiếp tục duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 144.660 đồng/cp, tương ứng mức sinh lời kỳ vọng khoảng 29% so với giá đóng cửa ngày 22/7.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 32.700 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu riêng quý II đạt 16.600 tỷ đồng, tăng 9% YoY. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.200 tỷ đồng, tăng trưởng 18,5%.

Mảng công nghệ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với doanh thu 20.100 tỷ đồng, tăng 11,3%, trong đó mảng công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài tăng mạnh 14,4%, đạt 16.700 tỷ đồng. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 28,1% nhờ đồng Yên tăng giá. Doanh thu chuyển đổi số đạt 7.800 tỷ đồng (+15,8%), cho thấy sự củng cố rõ rệt trong năng lực về AI, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu. Lợi nhuận mảng CNTT đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 15,4%.

Trong khi đó, mảng viễn thông ghi nhận doanh thu 9.000 tỷ đồng, tăng 13,4% nhờ tăng trưởng mạnh ở dịch vụ băng thông rộng (+15,8%) – chiếm 54% tổng doanh thu mảng này, cùng với các dịch vụ dữ liệu và quảng cáo trực tuyến. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 18,9%.

Doanh thu mảng quảng cáo trực tuyến đạt 327 tỷ đồng, tăng 17,6%, trong khi lợi nhuận tăng tới 27,2%, đạt 79 tỷ đồng. Mảng giáo dục và các mảng khác ghi nhận doanh thu 3.200 tỷ đồng (+6%) và lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 25,2%, đạt 1.200 tỷ đồng, nhờ mở rộng quy mô tuyển sinh và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 23/7: FPT, CTG, HCM
Yuanta dự phóng các chỉ tiêu tai chính của FPT giai đoạn 2025-2026

Trong nửa đầu năm, FPT ghi nhận 12 hợp đồng mới trị giá trên 10 triệu USD – gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Dù mức tăng doanh thu ký mới (5%) có phần chậm lại, nhưng Yuanta vẫn đánh giá cao tiềm năng dài hạn của xu hướng chuyển đổi số.

Một điểm nhấn khác là việc FPT đã hoàn tất mua lại David Lamm Consulting – công ty tư vấn IT của Đức chuyên về lĩnh vực năng lượng. Đây là bước đi chiến lược nhằm mở rộng ảnh hưởng của FPT tại thị trường châu Âu, nơi ngành năng lượng đóng góp gần 50% doanh thu tại khu vực này. Đồng thời, Sumitomo và SBI Holdings cũng đã mua 20% cổ phần của FPT Smart Cloud Japan nhằm tiếp cận hệ sinh thái AI của FPT.

Vietinbank (CTG): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 48.300 đồng/cp

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu Vietinbank (CTG) với giá mục tiêu 48.300 đồng/cp. Theo VDSC, lợi nhuận của CTG đang có triển vọng tăng trưởng cao và ổn định nhờ kiểm soát tốt chi phí tín dụng sau thời gian dài thực hiện chiến lược tài chính thận trọng.

Cụ thể, chi phí tín dụng trung bình từ năm 2021 đến 2024 ở mức 1,9%, giúp ngân hàng xử lý dứt điểm các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự báo trong giai đoạn 2025-2028, chi phí tín dụng bình quân của CTG sẽ giảm còn 1,1% nhờ tỷ lệ nợ xấu giảm và khả năng thu hồi nợ ngoại bảng được đẩy mạnh. Tăng trưởng tín dụng kép giai đoạn này được kỳ vọng đạt 14%/năm, trong bối cảnh chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 23/7: FPT, CTG, HCM
VDSC dự phóng các chỉ tiêu tài chính của CTG giai đoạn 2025-2026

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng kép 18% trong giai đoạn 2025-2028. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,2%, trong khi hệ số dự phòng rủi ro được duy trì ở mức cao 160%. Với những yếu tố này, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của CTG dự kiến sẽ đạt 20% vào năm 2028.

VDSC cho rằng, so với các ngân hàng quốc doanh khác như BIDV (P/B hiện tại là 1,8x) và Vietcombank (2,5x), CTG đang được định giá thấp hơn đáng kể với P/B chỉ 1,4x – mở ra cơ hội tái định giá hấp dẫn cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Chứng khoán HSC (HCM): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 27.500 đồng/cp

Đối với Chứng khoán HSC (HCM), VDSC cũng khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.500 đồng/cp. Trong quý II/2025, tổng doanh thu của HCM đạt 1.073 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, giảm 38% do lợi nhuận tự doanh giảm 15,6% và doanh thu môi giới giảm 8,3%.

Tuy nhiên, điểm sáng là mảng cho vay ký quỹ với doanh thu đạt 499 tỷ đồng, tăng 29% YoY – phản ánh nỗ lực giảm phí môi giới để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ vay. Dù vậy, chi phí dự phòng tăng lên 288 tỷ đồng (so với mức 148 tỷ đồng cùng kỳ) đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 23/7: FPT, CTG, HCM
Lãi sau thuế và biên lợi nhuận của HSC các quý gần đây

Trong ngắn hạn, việc mở rộng thị phần môi giới và tăng vốn được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng ở mảng cho vay ký quỹ và đầu tư tự doanh. Ngoài ra, những thay đổi tích cực từ chính sách như nới lỏng quy định mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng VND và xóa bỏ nút thắt prefunding đang tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại, qua đó thúc đẩy nâng hạng thị trường và mở rộng quy mô hoạt động cho các công ty chứng khoán có lợi thế về khách hàng tổ chức.

Trên góc độ kỹ thuật, cổ phiếu HCM sau nhịp tăng mạnh hiện đang điều chỉnh tại vùng đỉnh cũ 25.600 đồng. Dự kiến vùng hỗ trợ của HCM là 23.000 – 23.800 đồng và vùng kháng cự là 27.500 đồng.