Phát biểu tại hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC khẳng định TP.HCM có môi trường đầu tư ổn định, thông suốt và hấp dẫn dựa trên việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội.
Bà Vân chia sẻ: “Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp quốc tế đẩy mạnh đầu tư vào TPHCM trong các lĩnh vực có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: Sản xuất thông minh, AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, đô thị thông minh và các giải pháp xanh - bền vững”.
Bên cạnh đó, chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM cho biết, sau sáp nhập, TP.HCM mới hiện nay có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Theo Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.
Trong giai đoạn 2025-2030, các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt khoảng 21 tỷ USD; suất đầu tư bình quân thu hút đạt từ 8-10 triệu USD/ha; giải ngân 70% tổng vốn đầu tư đăng ký theo tiến độ.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Hiện nay, TP.HCM tập trung thu hút 4 ngành công nghiệp chủ lực, tập trung phát triển các phân khúc có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng trưởng lớn, thân thiện môi trường; các ngành công nghiệp tiềm năng và các ngành công nghiệp mới, có tính chiến lược như: Điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghiệp môi trường.
Theo ông Hà, để thu hút các nhà đầu tư theo định hướng trên, TP.HCM đang hướng đến mô hình phát triển khu công nghiệp bền vững. Hiện, TP.HCM đang triển khai Đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động của một số khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp thế hệ mới, tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo đang được khu vực Bình Dương (cũ) tiếp tục đẩy mạnh để thu hút dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao.
TP.HCM mới hình thành trên cơ sở sáp nhập ba địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. TP.HCM mới có diện tích hơn 6.772 km2 với bộ máy chính quyền địa phương hai cấp với 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.