Đề xuất miễn giảm loạt thuế phí của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam

Cập nhật: 10:17 | 13/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ nhận được kiến nghị tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam.

Mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa thế giới

Thị trường gạo xuất khẩu Việt Nam tăng tuần thứ 5 liên tiếp

Xuất khẩu đường Thái Lan sang Việt Nam tiếp tục 'chìm đáy'

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, bảo đảm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19.

Hội đề xuất thành lập các tổ y tế lưu động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung...để chủ động triển khai phương án phòng, chống dịch.

Ngành y tế hướng dẫn cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm tại chỗ; tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, người trong lĩnh vực vận chuyển.

2300-nhom
Ảnh minh họa

Ngoài ra, Hội cũng kiến nghị một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp sản xuất; miễn, giảm, giai hạn thời gian nộp thuế, phí; giảm tiền điện, nước; giảm mức đóng bảo hiểm xã hội...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ Y tế, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, bảo đảm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19.

Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, giá nhôm vừa tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi cuộc khủng hoảng năng lượng từ Á sang Âu ngày càng siết chặt nguồn cung. Nhiều chuyên gia dự đoán cơn sốt giá nhôm sẽ còn kéo dài sang năm 2022.

Theo Bloomberg, người trong ngành thường thích đùa rằng nhôm về cơ bản không khác gì "điện ở thể rắn". Để sản xuất mỗi tấn nhôm cần khoảng 14 MWh điện năng và lượng điện này đủ để một ngôi nhà trung bình tại Anh sử dụng trong hơn ba năm.

Hoặc nếu ngành công nghiệp nhôm với sản lượng khoảng 65 triệu tấn/năm được coi như một quốc gia, đây sẽ là nước tiêu thụ điện năng lớn thứ 5 trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa rằng trong cuộc khủng hoảng thiếu điện hiện tại, nhôm là một trong những mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh trong nỗ lực hạn chế tiêu thụ điện.

Ngay cả khi không xuất hiện cú sốc năng lượng, Trung Quốc cũng đã đặt ra một giới hạn đối với lượng điện mà ngành công nghiệp nhôm sử dụng. Sau nhiều năm liên tục mở rộng, ngành nhôm có thể chững lại và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.

Giá năng lượng tăng nóng từ Âu sang Á càng chứng tỏ nguồn cung nhôm sẽ còn sụt giảm nhiều hơn và một số nhà đầu tư đang đặt cược rằng giá nhôm sẽ còn tiếp tục leo thang hơn.

Áp lực lên ngành công nghiệp nhôm đang lớn dần, Bloomberg cảnh báo. Hồi cuối tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông báo sẽ cho phép doanh nghiệp phát điện tăng giá điện nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng. Tại Hà Lan, ông lớn ngành nhôm Aldel sẽ cắt giảm sản lượng từ tuần này do giá điện quá cao, hãng truyền hình NOS đưa tin.

Ông Mark Hansen, CEO của công ty thương mại Concord Resources (London), cho biết một số nhà máy nhôm tại Trung Quốc đang phải tạm dừng hoạt động và sản lượng của nước này có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn.

Vị chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang bị thâm hụt nguồn cung và cần phải kích thích đầu tư vào các nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc, giá nhôm có thể chạm ngưỡng 3.400 USD/tấn trong 12 tháng tới.

Giới thương nhân và phân tích cho biết, các nhà đầu tư đang theo dõi liệu xuất khẩu nhôm của Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay không. Do sản lượng bị đình trệ và nhu cầu bùng nổ, Trung Quốc đã phải nhập khẩu một lượng lớn nhôm từ nước ngoài. Tuy nhiên, đất nước tỷ dân vẫn xuất khẩu một lượng đáng kể nhôm bán thành phẩm.

"Tình trạng thiếu điện đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, buộc Bắc Kinh phải áp dụng các biện pháp cắt giảm tiêu thụ điện như chúng ta đã thấy. Trong bối cảnh này, có vẻ không hợp lý khi Trung Quốc xuất khẩu lượng lớn nhôm mỗi tháng", ông James Luke, trưởng bộ phận hàng hóa tại công ty quản lý tài sản Schroders (London), đặt câu hỏi.

Các chuyên gia phân tích bao gồm một số nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ giảm hoặc hủy bỏ các khoản ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu để làm chậm dòng chảy kim loại ra nước ngoài.

Hơn nữa, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhập khẩu nhôm trong năm tới. Hai yếu tố đó có thể khiến thế giới bị thiếu hụt nguồn cung nhôm trầm trọng và giá nhôm có thể tăng cao đột biến hơn nữa.

Ông Eoin Dinsmore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu sản phẩm nhôm tại CRU, nhận định: "Thị trường kim loại toàn cầu vào năm 2022 sẽ bị siết chặt nhất từ trước đến nay".

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm