Nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 9-13/11, chỉ số VN-Index tăng 3% lên 966,29 điểm, chỉ số VN30 tăng 3,1% lên 931,91 điểm. Giá trị khớp lệnh toàn thị trường tăng 27,1% so với tuần trước.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn tác động tích cực tới VN-Index là VHM, VIC, GVR, VCB… Đây là nhóm kỳ vọng hưởng lợi từ dòng vốn ngoại sau khi thị trường Kuwait được MSCI nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, dẫn đến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số thị trường cận biên tăng lên, kéo theo nhu cầu mua vào của các quỹ mô phỏng chỉ số.

Trước ngày 30/11 tới, chỉ số Frontier Market Index sẽ loại ra 8 cổ phiếu Kuwait, các cổ phiếu Việt Nam không đổi; chỉ số MSCI Frontier Market Smallcap Index sẽ thêm vào 4 cổ phiếu Việt Nam là APH, HPX, HSG và KDH; chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ tái cơ cấu, nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam từ 12,64% lên 15,76%.

Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán

Các nhóm cổ phiếu khác cũng có nhiều sắc xanh, giúp nhà đầu tư có cảm giác hưng phấn và tự tin cùng chiều với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán thế giới. Trong đó, một số nhóm ngành có thông tin hỗ trợ riêng bật tăng mạnh hơn.

Chẳng hạn, ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 đang kỳ vọng sẽ sớm có chính sách hỗ trợ, sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, nếu được cho phép, Tổng công ty có thể chi ra 8.000 tỷ đồng để góp vốn vào Vietnam Airlines, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thiếu dòng tiền khoảng 12.000 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch, nhóm cổ phiếu hàng không gồm HVN, VJC và ACV lần lượt tăng 9%, 6,6% và 9,5% so với tuần trước.

Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán

Hay nhóm khu công nghiệp, vốn được giới đầu tư quan tâm với kỳ vọng vào chuỗi cung ứng dịch chuyển từ Trung Quốc sang, nên khi các doanh nghiệp trong ngành công bố thông tin tích cực, ngay lập tức giá cổ phiếu được kéo lên. Trong đó, D2D công bố thời điểm chốt cổ phiếu thưởng 42%.

PHR ngoài kế hoạch tăng trưởng còn thông qua việc đầu tư trực tiếp 2 khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hội Nghĩa và Bình Mỹ, đây được xem là bước đi đầu tiên sau giai đoạn chủ yếu hợp tác, đầu tư gián tiếp vào lĩnh vực khu công nghiệp, hoặc chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp và nhận tiền đền bù.

NTC thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 50%. Ba cổ phiếu này có mức tăng lần lượt 10,3%, 7,5% và 9,1% trong tuần qua.

Tương tự, tại nhóm cổ phiếu kỳ vọng sẽ có doanh số tăng trưởng khi Apple tung ra sản phẩm iPhone, Macbook Pro mới. Trên sàn chứng khoán hiện nay, PET và DGW là hai doanh nghiệp phân phối chính thức của Apple tại Việt Nam, giá cổ phiếu lần lượt tăng 34,4% và 6,8%.

Bất chấp đà hồi phục của thị trường chứng khoán trong nước, khối ngoại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ngừng bán ròng. Theo dữ liệu của FiinTrade, tuần qua, khối ngoại bán ròng 1.844,4 tỷ đồng, chủ yếu là mã MSN (521,3 tỷ đồng) và HPG (430,2 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối này mua ròng VRE 180,7 tỷ đồng, HSG 83,4 tỷ đồng, VIC 59,4 tỷ đồng.

Thời điểm để sàng lọc

VN-Index đang tiếp cận trở lại vùng đỉnh cũ. Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) quay trở lại vùng quá mua khi tiến sát ngưỡng 70 điểm, trong khi giá tiếp cận vùng đỉnh ngày 26/10/2020.

Cổ phiếu quay trở lại vùng đỉnh ngắn hạn có thể sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng bởi thực tế cho thấy, để chỉ số nói chung, giá cổ phiếu nói riêng vượt được đỉnh thường phải trải qua 2 - 3 lần “kiểm tra” với thanh khoản cao. Chính vì thế, những nhà đầu tư an toàn thường chọn cách bán ra từ 30 - 50% danh mục khi thấy cổ phiếu quay lại đỉnh cũ, chờ xu hướng rõ ràng hơn.

Lưu ý, thời gian qua, dòng tiền có xu hướng chảy vào các nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý III/2020 khả quan, hoặc có “câu chuyện riêng” hỗ trợ như chuyển sàn, chia cổ tức, cổ đông lớn mua vào… Khi “hiệu ứng” này qua đi, thị trường sẽ đi vào vùng trống thông tin và nhiều khả năng nhạy cảm hơn trước các yếu tố ngoại biên cũng như diễn biến từ thị trường chứng khoán quốc tế.

Mặc dù vậy, với các dữ liệu kinh tế vĩ mô đang cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19, các tin tức tích cực về vắc-xin cùng với mặt bằng lãi suất thấp sẽ là bước đệm an toàn giữ chân dòng tiền trong thị trường.

Thị trường có khả năng sẽ duy trì lực cầu trong tuần mới, nhưng đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu sàng lọc và tích lũy những cổ phiếu/nhóm ngành có điểm rơi lợi nhuận trong quý cuối năm cũng như có triển vọng tích cực hơn trong năm 2021.

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ, bất động sản, ngân hàng có thể dẫn dắt sự lạc quan của thị trường trong tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Môi trường lãi suất thấp và điểm sáng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Kỳ vọng này được củng cố qua diễn biến dòng vốn đầu tư và các chỉ tiêu vĩ mô trong tháng 10 như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đầu tư công, bên cạnh đó là tín hiệu tích cực từ FDI so với các tháng trước.

Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm trở lại TTCK Việt Nam

Đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận ...

Cổ phiếu ngân hàng: Nới room ngoại hậu chuyển sàn/niêm yết trên HOSE?

Trong giai đoạn cuối năm 2020, nhiều ngân hàng dự kiến lên sàn chứng khoán hoặc chuyển sàn niêm yết. Điều này có thể sẽ ...

Tiền nội đang chảy mạnh, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng cao

Đến thời điểm này, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư khá vẫn hấp dẫn trong bối cảnh các hoạt động đầu tư ...