Một nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy: việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT trong quá trình viết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của não bộ. Cụ thể, các sinh viên được hỗ trợ bởi AI khi viết bài thể hiện mức độ hoạt động thần kinh thấp hơn đáng kể ở các vùng não liên quan đến sáng tạo và sự tập trung. Đáng chú ý, họ cũng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và trích dẫn lại nội dung chính từ bài viết mà họ đã "hoàn thành" với sự hỗ trợ của AI.
Kết quả này góp phần vào chuỗi các nghiên cứu đang mở rộng về ảnh hưởng dài hạn của AI đến năng lực tư duy con người. Theo một khảo sát độc lập của Microsoft, phần lớn nhân viên văn phòng sử dụng AI hằng tuần thừa nhận công việc trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng song song đó, nhu cầu phải suy nghĩ thực sự cũng giảm đáng kể. Chỉ khoảng một nửa số nhiệm vụ liên quan đến AI đòi hỏi tư duy phản biện nghiêm túc từ người dùng.
![]() |
Mức độ phụ thuộc vào AI càng cao thì điểm số đánh giá tư duy phản biện càng thấp. Ảnh minh hoạ |
Một nghiên cứu khác do Tiến sĩ Michael Gerlich (Đại học SBS, Thụy Sĩ) thực hiện trên 666 người tại Anh cũng đưa ra kết quả tương tự: mức độ phụ thuộc vào AI càng cao thì điểm số đánh giá tư duy phản biện càng thấp. Nhiều giáo viên trung học và đại học đã phản hồi với nhóm nghiên cứu, xác nhận rằng họ đang chứng kiến tình trạng này trong chính lớp học của mình.
Cùng lúc đó, nghiên cứu từ Đại học Toronto chỉ ra rằng việc sử dụng AI còn làm suy giảm tính đa dạng và đột phá trong ý tưởng. Người dùng có xu hướng chọn những phương án quen thuộc, an toàn thay vì sáng tạo ra điều mới.
Dù chưa có bằng chứng kết luận AI trực tiếp làm “suy yếu não bộ”, giới khoa học cảnh báo về hiện tượng “cognitive offloading” - tức thói quen giao phó hoàn toàn các hoạt động trí tuệ cho máy móc. Về lâu dài, điều này có thể tạo nên vòng luẩn quẩn: tư duy giảm sút dẫn đến phụ thuộc AI, và sự phụ thuộc đó lại tiếp tục làm suy yếu tư duy.
Các chuyên gia khuyến nghị nên sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ không phải người “làm hộ”. Một số giải pháp đang được thử nghiệm như: yêu cầu người dùng đặt câu hỏi từng bước, buộc phải tự trả lời trước khi được AI hỗ trợ, hoặc thiết lập AI để “phản biện ngược” lại chính người dùng. Mục tiêu là giúp con người không đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.