Hội nghị Jackson Hole thường niên năm nay bắt đầu từ ngày 25/8/2022 tại Mỹ - nơi hội tụ của các Ngân hàng Trung ương (NHTW), Bộ trưởng Tài chính, các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu quan tâm đến thị trường tài chính toàn cầu.

Dù không có tính chất pháp lý nhưng ở đó sẽ xuất hiện những manh mối về tương lai chính sách tài chính tiền tệ; xu hướng đầu tư,…

Như mọi năm, bài luận đỉnh cao về tài chính của Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ được chờ đợi hơn cả. Theo đó, ông Powell sẽ phân tích, định hướng rõ hơn về chính sách tiền tệ, giải pháp kiểm soát lạm phát kỷ lục ở Mỹ, đặc biệt là tình trạng kinh tế Mỹ.

Câu chuyện được thế giới quan tâm lúc này là FED sẽ tiếp tục tuyên bố đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất?

Với áp lực lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt trong tháng 7/2022 và kinh tế Mỹ đã rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật (GDP tăng trưởng âm 1,6% trong quý I và âm 0,9% trong quý II). Nhiều chuyên gia nhận định, Hội nghị Jackson Hole năm nay sẽ là dịp để FED bày tỏ quan điểm giảm tốc độ tăng lãi suất chứ không mạnh miệng tuyên bố thắt chặt tiền tệ như trước đây.

Mặc dù vậy, FED có thể vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 3 đợt nữa trong năm nay trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong trường hợp lạm phát tiếp tục giảm mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Chủ tịch FED tiếp tục khẳng định việc siết chặt tiền tệ, điều này vẫn sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường vàng…

Kể từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine, thị trường chứng khoán thế giới đã lao dốc mạnh thậm chí một số thị trường như Phố Wall đã rơi vào trạng thái Downtrend. Trong khi đó, giá vàng và USD đã tăng ngược khi nhà đầu tư đẩy mạnh tích trữ tài sản.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm đồng thời lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm và kỳ hạn 5 năm. Động thái của PBoC càng khiến công chúng thêm chú ý tới Hội nghị Jackson Hole.

Chính sách lãi suất Trung - Mỹ trái ngược nhau, đã và đang gây ra biến động trái chiều. Trong khi dòng vốn giá rẻ từ các thị trường mới nổi đang chảy mạnh về Mỹ thì dòng vốn quốc tế tháo chạy khỏi Trung Quốc gây rối loạn tỷ giá CNY/USD. Trước đó, giới chức Trung Quốc luôn đổ lỗi cho FED liên tục nới lỏng tiền tệ, gây ra lạm phát tràn lan.

Trung Quốc muốn “đơn thương độc mã” về tài chính, vài kỳ họp gần đây PBoC không tham dự Hội nghị Jackson Hole. Hàm ý này trùng khớp với tham vọng biến CNY thành đồng tiền toàn cầu, vận hành bằng hệ thống riêng.

Một nội dung quan trọng mà Hội nghị Jackson Hole không thể không bàn đến là cấm vận tài chính Nga. Cho đến thời điểm này, việc loại Moscow ra khỏi SWIFT, phong tỏa dự trữ ngoại hối của nước này tại các ngân hàng Âu - Mỹ không đủ sức ngăn chặn Nga giao dịch với Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiệm vụ này đặt lên mấy đồng tiền mạnh như USD, GBP, Euro, JPY,...

Lãi suất liên ngân hàng có chung diễn biến giảm mạnh