Theo số liệu thống kê của chính phủ công bố ngày 11/1, năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã giảm 13% xuống 1.230 tỷ USD, mức giảm đầu tiên trong 6 năm và là mức giảm mạnh nhất trong dữ liệu so sánh kể từ năm 2001.

Khi đồng yen giảm mạnh trong tháng 9, tháng 10 và có thời điểm rơi xuống 151 yen/USD, Tokyo đã bán tài sản bằng USD để mua vào yen nhằm ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ.

Trong tháng 9, Nhật Bản đã chi khoảng 20 tỷ USD để làm chậm đà trượt giá của đồng yen trong lần can thiệp đầu tiên kể từ năm 1998. Số tiền can thiệp chiếm khoảng 19% lượng giảm dự trữ trong năm 2022.

Theo số liệu của IMF, các nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka đối mặt với tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, khi dự trữ ngoại hối giảm hơn 40% từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022, do sự sụt giảm hoạt động du lịch.

Các quốc gia châu Á nghèo tài nguyên cũng chứng kiến tình trạng suy giảm đáng kể, với dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm 10% do những nỗ lực chống đỡ cho đồng won.

Trong tháng 9, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm 19,7 tỷ USD xuống còn 416,8 tỷ USD, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008 khi ngân hàng trung ương bán ngoại hối để hỗ trợ đồng won.

Theo Bloomberg, trong năm 2022, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 96 tỷ USD xuống 538 tỷ USD, giữa bối cảnh đồng rupee giảm khoảng 9% so với đồng USD và chạm mức thấp kỷ lục trong tháng 11/2022.

Những đợt bán ra ngoại hối đang làm giảm nguồn tài chính quan trọng của các quốc gia và có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước bất ổn kinh tế.

Hiện nay thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, song nguy cơ về một đợt tăng giá khác của đồng USD có thể khiến các quốc gia tiếp tục bán ngoại hối.

Thị trường đang có những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm nay, qua đó làm giảm sức ép tăng giá đối với đồng USD. Tuy nhiên, nếu lạm phát kéo dài hơn dự kiến, đồng bạc xanh có thể tăng trở lại.