Theo khảo sát tại vùng trọng điểm Quảng Phú (Đắk Lắk), nơi nổi tiếng chuyên canh loại sầu riêng này, mức giá trung bình năm nay chỉ còn từ 20.000–25.000 đồng/kg, giảm sâu so với mức 70.000–80.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, hàng “kem” – loại quả bị lỗi chất lượng – có giá chỉ vài nghìn đồng/kg.
Anh Huỳnh Tấn Thuận, một thương lái trong vùng cho biết gần như 100% quả đều bị sượng, có vườn quả không mua nổi vì sượng nặng. Vì thế giá xuống mạnh, cao thì 30.000 đồng, thấp thì vài nghìn. Nắng mưa thất thường cùng nhiều tiêu chí kiểm dịch xuất khẩu khiến thị trường Musang King “đứng hình”.
Tình trạng quả “sượng nước” – cơm nhũn, trắng nhợt, thậm chí đắng đót – được phản ánh đồng loạt từ cả thương lái lẫn người tiêu dùng. Không chỉ xảy ra cục bộ, tình trạng này lan rộng tại hầu hết vườn Musang King tại Đắk Lắk. Điều này khiến nhiều thương lái lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu “quay lưng”, chỉ chấp nhận thu mua lượng nhỏ cho thị trường trong nước, chủ yếu bán buôn cho tiểu thương chợ.
![]() |
Sầu riêng Musang King năm nay bị cả thương lái lẫn người mua chê. Ảnh minh họa |
Không chỉ chịu áp lực nội tại về chất lượng, Musang King hiện đang vấp phải “cú siết” từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng chính của Việt Nam. Những tiêu chuẩn khắt khe về kiểm dịch chất cấm như Vàng O, dư lượng cadimi… khiến chi phí cũng như yêu cầu kỹ thuật tăng mạnh. Khi không đạt tiêu chí, thương lái đành đánh vào thị trường nội địa để cầm cự.
Các nông hộ như ở xã Quảng Phú tỏ ra bối rối. Trước đây, Musang King được chọn vì hương vị tinh túy, giá trị cao. Nhưng loại cây này vốn dĩ “kén” kỹ thuật chăm sóc, dễ nhiễm bệnh, yêu cầu đất đai, khí hậu tốt. Một số nông dân từng đầu tư lớn cho một diện tích mẫu lớn, nhưng sau nhiều vụ thất bại, đã chuyển sang trồng các giống khác dễ canh tác hơn.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Phó Trưởng phòng Kinh tế UBND xã Cư M’gar nhận định Musang King là giống khó trồng, khó chăm, giá năm nay quá thấp so với chi phí sản xuất, nên nhiều người đã bỏ, không mấy trồng tại địa bàn.