Kết phiên giao dịch cuối tháng 11/2022, cổ phiếu HPG tiếp tục tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp (kể từ ngày 24/11) lên mức 18.400 đồng thị giá.

So với mức 15.650 đồng hồi cuối tháng 10, mã ghi nhận mức tăng gần 17,6%.

Trong tháng 11, cổ phiếu HPG từng có thời điểm rơi về mức 12.200 đồng (phiên 14/11) - đáy kể từ tháng 7/2020.

Tuy nhiên ngay sau đó, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ đã giúp cổ phiếu đầu ngành thép tăng mạnh 9/12 phiên gần nhất trong đó có tới 8 phiên tăng từ 4% trở lên.

Tính chung trong nhịp hồi này, cổ phiếu HPG tăng tới 50,8% thị giá và trở thành một trong số cổ phiếu tăng mạnh nhất rổ VN30. Tuy vậy, so với đầu năm 2022, cổ phiếu HPG hiện đã mất gần nửa giá trị.

Nhờ giá cổ phiếu phục hồi mạnh từ đáy, vốn hóa thị trường của Hòa Phát cũng đã trở lại mốc trăm nghìn tỷ (đạt gần 107.000 tỷ đồng) - tăng gần 40.000 tỷ sau 3 tuần.

Tuy vậy, nếu so với đầu năm, mức vốn hóa hiện tại của Hòa Phát vẫn thấp hơn 110.000 tỷ và mã vẫn chưa thể trở lại top 10 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất sàn HOSE.

Đvt: Tỷ đồng

Nửa tháng trở lại đây, giá trị tài sản ròng của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng tăng trở lại khoảng 600 triệu USD và hiện ở mức 1,5 tỷ USD (theo ước tính của Forbes).

Được biết ông Long hiện đang sở hữu 1,516 tỷ cổ phiếu HPG - chiếm tỷ lệ 26,08% vốn tập đoàn.

Trong tháng 11, khối ngoại ghi nhận mua vào gần 50 triệu cổ phiếu HPG. Nếu chỉ tính trong nhịp hồi phục gần đây (từ 11/11), khối ngoại thậm chí đã mua ròng gần 140 triệu cổ phiếu - tương ứng khoảng 2.130 tỷ đồng.

3 phiên gần nhất (các ngày 28 - 29 - 30/11) khối ngoại gom lần lượt 19,4 - 16,3 - 26,2 triệu cổ phiếu HPG với tổng giá trị 1.082 tỷ đồng. Đáng nói, khối lượng giao dịch của khối ngoại các phiên này cũng chiếm từ 20 - 60% tổng khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này.