Tăng trưởng GDP giảm tốc trong quý 4/2022

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, GDP của Việt Nam tăng 5,9% so với cùng kỳ trong quý 4/2022 và được dẫn dắt bởi ngành dịch vụ (+8,1%).

Tốc độ tăng trưởng trong quý cuối năm 2022 đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh là 13,7% trong quý 3/2022 phản ánh sự suy yếu trong xuất khẩu và sản xuất công nghiệp cùng với động lực từ mở cửa trở lại nền kinh tế phai nhạt dần.

Tính chung cả năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng 8% YoY (dự báo của VND là 7,9%) - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp quý 4/2022 suy yếu là mối lo ngại lớn

VND nhấn mạnh xu hướng tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp Việt Nam trong quý 4 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Cụ thể, chỉ số IIP tăng 3% YoY - thấp hơn đáng kể so với quý 3/2022 (tăng 10,9% YoY). Ngoài ra, IIP tháng 12/2022 giảm 1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% YoY - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11/2021.

Bên cạnh đó, đơn đặt hàng mới của lĩnh vực sản xuất liên tục giảm trong vài tháng qua đã khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm kể từ tháng 11/2022 với giá trị xuất khẩu giai đoạn tháng 11 - 12/2022 giảm còn 58,1 tỷ USD (-12,4% YoY).

Xét cụ thể, ngành công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,2% trong quý 4/2022 - thấp hơn mức 5,6% của quý 4/2021 và 12,2% của quý liền trước. Đơn đặt hàng giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại là trở ngại chính đối với hoạt động của phân ngành sản xuất, chế biến chế tạo trong quý này.

Tăng trưởng của phân ngành này giảm mạnh xuống 3% từ mức 8% YoY và mức 11,6% của quý 3/2021. Hoạt động sản xuất chậm lại cũng làm suy yếu nhu cầu sử dụng điện khiến tăng trưởng của phân ngành điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa giảm tốc 2/3 YoY về còn 4,5%.

Kinh tế Việt Nam 2023 nhìn từ 4 điểm nhấn vĩ mô trong quý 4/2022

Phân ngành khai khoáng vẫn tăng mạnh - đạt 7,9% nhờ giá bán ra cao của dầu thô và các khoáng sản khác trong năm 2022 thúc đẩy sản lượng khai thác.

Trong khi đó, phân ngành xây dựng và phân ngành cấp nước trong quý 4/2022 đã tăng lần lượt 6,7% YoY và 8,2% YoY.

Tính chung cả năm 2022, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,8% YoY chủ yếu nhờ kết quả tốt trong 9 tháng đầu năm 2022.

Xét về xuất khẩu, trong quý 4/2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 88,8 tỷ USD (-6,8% YoY). Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận sụt giảm trong đó: Điện thoại các loại (-21,9% YoY), thiết bị điện tử và máy tính (-3,3% YoY), máy móc và thiết bị (-4,6% YoY), dệt may (-8,3% YoY), sợi (-38% YoY), thép (-56% YoY) và thủy sản (-9,4% YoY).

Kinh tế Việt Nam 2023 nhìn từ 4 điểm nhấn vĩ mô trong quý 4/2022

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương trong quý này nhu đồ chơi & dụng cụ thể thao (+38,4% YoY), giày dép (+28,8% YoY), túi & vali (+29,3% YoY), dầu thô (+25,7% YoY) và sản phẩm xăng dầu (+40,4% YoY).

Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 10,5% YoY lên khoảng 371,3 tỷ USD.

VNDirect cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2023 do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, khiến cho đơn hàng mới sụt giảm (chỉ số PMI giảm xuống dưới 50 điểm trong hai tháng 11 - 12/2022 cho thấy ngành sản xuất đang bị thu hẹp do tình hình đơn hàng mới kém khả quan; năng lực sản xuất cần có thời gian để phục hồi khi thị trường phục hồi (nhiều doanh nghiệp đã phải giảm công suất hoạt động, giảm giờ làm, thậm chí sa thải nhân viên).

VND kỳ vọng bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ tươi sáng hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023

VNDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,2% (+/-0,3%) so với dự báo trước đó là 6,7%. Nguyên nhân đến từ việc nền kinh tế toàn cầu chậm lại tác động mạnh hơn dự kiến đến ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam 2023 nhìn từ 4 điểm nhấn vĩ mô trong quý 4/2022

Mặt khác, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như môi trường lãi suất cao, lạm phát toàn cầu tuy giảm nhưng vẫn còn cao, thanh khoản thị trường tài chính thắt chặt, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn. Có một số động lực tăng trưởng trong năm tới, đến từ việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như một phần của đầu tư công và xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh.

VND cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại và cạnh tranh FDI ngày càng tăng giữa các nước trong khu vực có thể là những biến số đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Lạm phát bình quân dự kiến tăng 3,8% YoY trong năm 2023 (tăng so với mức 3,2% trong năm 2022).

Áp lực lãi suất và tỷ giá sẽ hạ nhiệt đáng kể trong nửa cuối năm 2023

Hiện đã có ít nhất 12 ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN gồm Vietcombank, Agribank, HDbank, ACB, SHB, VIB, MBB,... (mức giảm từ 0,5 - 3,5%/năm đối với khoản vay bằng VND và đối với một số khách hàng doanh nghiệp, cá nhân hiện hữu). Điều này tuy tác động hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay chung nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh hơn giữa các NHTM.

NHNN cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác. Do đó, VNDirect cho rằng sẽ có những ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có lợi thế nhận hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai.

Ngoài ra, NHNN cũng đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Gói bù lãi suất 2% nằm trong gói kích cầu kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ. Quy mô hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam 2023 nhìn từ 4 điểm nhấn vĩ mô trong quý 4/2022

Có khoảng 10 nhóm ngành chính sẽ được hỗ trợ bao gồm hàng không; du lịch; vận tải và kho bãi; nông, lâm, ngư nghiệp và sản xuất.

Trong bối cảnh doanh nghiệp chịu áp lực lớn do lãi suất cho vay tăng, VND cho rằng đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo quan điểm của VNDirect, việc cải thiện dự trữ ngoại hối cùng với Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ vào khoảng giữa năm 2023 sẽ góp phần hạ nhiệt áp lực tỷ giá đối với VND trong năm 2023. Công ty chứng khoán kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên 102 tỷ USD vào cuối năm 2023.

Đà thắt chặt chính sách tiền tệ chậm lại trên toàn cầu sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên lãi suất điều hành như hiện tại. Theo đó, lãi suất huy động sẽ tăng chậm lại trong nửa đầu năm 2023 và sau đó giảm dần kể từ quý 3/2023.