Hoạt động tài chính mang về 61 tỷ đồng doanh thu, gấp 2,5 lần quý III/2019, đồng thời chi phí thấp hơn 64%, ở mức 16 tỷ đồng, nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá. Trừ chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp biến động không lớn, lãi trước thuế tăng 56% đạt 183 tỷ đồng.

Dù vậy, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 21%, còn 6.618 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm 14%, lần lượt ở mức 446 tỷ đồng và 404 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối tháng 9 ở mức 8.263 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 56%, chủ yếu là tiền, tương đương tiền và tiền gửi hơn 1.600 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn hơn 1.481 tỷ đồng. Công ty có hơn 1.545 tỷ đồng hàng tồn kho. Tài sản dài hạn chủ yếu là khoản đầu tư vào công ty con hơn 3.688 tỷ đồng.

Công ty mẹ Minh Phú đang nợ tài chính gần 1.892 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 972,5 tỷ đồng, bên cạnh thặng dư vốn cổ phần hơn 2.341 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển hơn 94,6 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MPC diễn biến không mấy tích cực trong thời gian gần đây. Cổ phiếu của Minh Phú đã giảm từ vùng đỉnh 31.500 đồng (phiên 23/9/2020) xuống mức 26.800 đồng (phiên 23/10/2020). Như vậy chỉ trong vòng một tháng qua, thị giá mỗi cổ phiếu MPC đã mất tới 4.700 đồng. Với 196.649.670 cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã giảm tới hơn 900 tỷ đồng sau một tháng.

Lãi 9 tháng giảm 14%, vốn hóa Thủy sản Minh Phú (MPC) “bốc hơi” hơn 900 tỷ đồng sau một tháng
Cổ phiếu MPC giảm mạnh trong một tháng gần đây. Nguồn cafef

Ở một diễn biến khác, vừa qua, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) kết luận có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood) vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. MSeafood là một chi nhánh của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC).

Sau thông tin này, Minh Phú cho biết đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và chứng minh rõ cách xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, đảm bảo chỉ có tôm Việt Nam mới xuất đi Mỹ. Doanh nghiệp khẳng định đã có lời mời nhưng CBP không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Thay vào đó, CBP thiết lập tiêu chuẩn đánh giá riêng về phân tách tôm và yêu cầu Minh Phú phải sử dụng phương pháp này, không chấp nhận phương pháp doanh nghiệp đã sử dụng 4 năm qua. Minh Phú cho rằng yêu cầu của CBP không hoàn toàn phù hợp với đặc thù sản xuất ngành tôm.

Đồng thời, Minh Phú cũng khẳng định từ cuối tháng 7/2019 đã ngưng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Do đó, doanh nghiệp tôm cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định của CBP, quá trình xem xét kháng cáo dự kiến diễn ra trong 60 ngày kể từ đơn kháng cáo được ghi nhận. Trong trường hợp kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế.

Trước đó, Minh Phú bị cáo buộc mua lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức "tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua MSeafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam. Ngày 18/9/2019, Ban giám đốc Thực thi Luật Phòng vệ Thương mại (TRLED), Văn phòng Thương mại của CBP, tiếp nhận đơn kiện từ Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc - liên minh đại diện cho ngành tôm nội địa Mỹ.

Dabaco báo lãi 9 tháng gấp 24 lần so với cùng kì năm trước

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) vừa công bố BCTC quí III với doanh thu thuần đạt gần 2.550 tỉ đồng, tăng 41% ...