Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ đã đề cập đến việc kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, an ninh chính trị khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát, giá dầu tăng cao tác động dây chuyền, làm chậm đà phục hồi của các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu còn 3,5 - 4% năm 2022 (giảm khoảng 1% so với dự báo tháng 1).

Chính phủ đánh giá, trong nước, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực, cùng với việc triển khai các chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo có nhiều khởi sắc, tạo đà đẩy nhanh tăng trưởng quý II và cả năm 2022.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng.

Chính phủ nhấn mạnh áp lực lạm phát tăng cao trong năm khi nhu cầu trong nước phục hồi, thực hiện lộ trình tăng lương từ ngày 1/7, cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc.

Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ dự báo có thể diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật. Qua đó, tác động đến đời sống người dân, người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Mới nhất, CTCP Chứng khoán Everest (EVS) cho rằng, mức tăng bình quân CPI 2,1% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm chưa phải là quá cao nhờ các chính sách sát sườn của Chính phủ nhằm hạn chế việc nhập khẩu lạm phát tương đối thành công.

Tuy nhiên với bối cảnh vĩ mô thế giới phức tạp kéo dài, EVS tiếp tục duy trì dự phóng CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng nhẹ lên mức 4 - 4,5%

Trong tháng 4/2022, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam.

Cụ thể, WB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5,3% trong năm 2022 ở kịch bản cơ sở (và 4% trong kịch bản xấu hơn), giảm 0,2% so với hồi đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,5% được đưa ra tháng 10/2021.

ADB hồi tháng 4 dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022; Ngân hàng HSBC trong tháng 4 vừa qua cũng đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam xuống 6,2% (so với mức dự báo trước đây là 6,5%).

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, do vậy Chính phủ xác định những biến động của kinh tế thế giới như lạm phát, giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng,... có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống nhân dân.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan, bộ ngành bám sát diễn biến của dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc, động thái chính sách của các ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn, để có kịch bản điều hành đồng bộ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngoài ra, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 cũng là một số giải pháp được đề cập đến.