VASS hiện có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Hai cổ đông chính của công ty là Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus (sở hữu 37,1%) và CTCP Đầu tư Một Trăm (sở hữu 28,6%).

Được thành lập từ năm 2003, VASS là một trong những công ty bảo hiểm tư nhân lâu đời nhất tại Việt Nam. Tuy vậy tình hình tài chính của doanh nghiệp này chưa được khả quan. Trong quý I/2022, VASS báo lỗ 24,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 20,3 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2022, tổng lỗ lũy kế của VASS đã lên đến gần 381 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 321 tỷ đồng.

Do VASS chưa phải công ty niêm yết nên nhiều báo cáo của VASS không được công bố công khai. Vì vậy, không rõ VASS bắt đầu thua lỗ từ khi nào. Chỉ biết, tại thời điểm cuối năm 2020, 2019 và 2018, lỗ lũy kế tại VASS lần lượt là 358 tỷ đồng, 393 tỷ đồng, 486 tỷ đồng.

Trước đó, VASS thậm chí còn âm vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm cuối năm 2017 và 2016, vốn chủ sở hữu tại VASS là âm 85 tỷ và âm 534 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do công ty gánh khoản lỗ chưa phân phối lần lượt 587 tỷ đồng và 837 tỷ đồng.

Sau 8 năm giữ chức cố vấn cấp cao của VASS, đến trung tuần quý II/2021, tại phiên họp ĐHCĐ thường niên diễn ra trong ngày 31/5, cổ đông VASS đã bầu bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) ngồi ghế Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2023.

Mới nhất, Website của công ty cho biết, vào tháng 5/2022, shark Liên đã quay trở lại vị trí Tổng Giám đốc điều hành của VASS.

Từ đây, tầm ảnh hưởng của gia đình Shark Liên tại VASS càng lớn hơn. Cùng với shark Liên, bà Đỗ Thị Minh Đức - em gái bà Liên nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VASS. Ngoài ra, bà Phạm Phương Chi, con gái Shark Liên cũng là Thành viên HĐQT kiêm cổ đông lớn của VASS với tỷ lệ sở hữu 5,7143% vốn.

Ứng dụng bảo hiểm LIAN – luôn được quảng bá gắn liền với hình ảnh của shark Liên – cũng chính là sản phẩm của VASS.

Shark Liên cũng từng sáng lập và điều hành công ty bảo hiểm AAA. Công ty này cũng thường xuyên lỗ và đã được bán cho lại cho Tập đoàn IAG của Australia vào năm 2013. Đến năm 2021 thì Bamboo Capital (BCG) mua lại công ty này.

Liên tục trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư

Thời điểm quý II/2021, dantri.com.vn từng thông tin, Bảo hiểm Viễn Đông đã rót khá nhiều tiền cho các khoán mục đầu tư tài chính song khá nhiều trong số đó kém hiệu quả khiến công ty phải trích lập dự phòng. Nổi bật nhất của các thương vụ làm ăn này chính là Vinashin.

VASS phải dành 2,3 tỷ đồng lập dự phòng cho 4,2 tỷ đồng đầu tư chứng khoán ngắn hạn. Công ty MTV VD Vinashin vay 1,9 tỷ đồng và khiến VASS phải trích lập 100% khoản vay.

Tại CTCP Cấp nước Nhà Bè, VASS có khoản đầu tư trị giá 2,3 tỷ đồng và VASS phải dành 370 triệu đồng trích lập dự phòng.

Với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, VASS phải trích lập dự phòng tại 4 công ty gồm CTCP Chứng khoán Viễn Đông, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian, CTCP Bột mì Bình An và CTCP Luyện cán Thép Phú. Tổng giá trị trích lập là 69,1 tỷ đồng trong đó Chứng khoán Viễn Đông "ngốn" tới 53,7 tỷ đồng.