Lợi nhuận ACV có thể tăng thêm 24% nhờ dự án sân bay quốc tế Long Thành

Cập nhật: 10:55 | 08/12/2020 Theo dõi KTCK trên

Trong báo cáo phân tích về Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, việc dự án sân bay quốc tế Long Thành được phê duyệt sẽ đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho công ty.

5118-acv
Tòa nhà ACV tại địa chỉ 58 Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM.

Cụ thể, VCSC tăng dự báo lợi nhuận sau thuế của ACV thêm 24% tổng cộng trong giai đoạn 2026 – 2035 khi ghi nhận dự phóng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTA).

"Khi ACV là chủ đầu tư cho đường băng của sân bay Long Thành, chúng tôi cho rằng ACV sẽ được phép thu phí cất cánh và hạ cánh từ dự án này" - Báo cáo VCSC dự đoán.

Trước đó, VCSC đã giả định khoản vốn xây dựng cơ bản trị giá 99.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành nhưng chưa ghi nhận khoản phí cất cánh và hạ cánh thu về trong dự báo lợi nhuận của ACV.

Tuy nhiên, nhóm phân tích điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 41%; 2,9% và 3,7%, chủ yếu do lượng hành khách quốc tế dự kiến phục hồi chậm hơn khi dịch COVID-19 diễn biến không đồng đều trên toàn cầu.

Trong bối cảnh chính phủ ưu tiên sức khỏe cộng đồng, Việt Nam ít có khả năng mở cửa trở lại ngành du lịch quốc tế trước khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VCSC vẫn giữ quan điểm tích cực đối với khả năng phục hồi của ngành hàng không Việt Nam khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Với năm 2020, VCSC dự phóng lợi nhuận sau thuế của ACV đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 7.100 tỷ đồng, giảm 61%.

Nhóm phân tích cho rằng, dù lợi nhuận giảm mạnh, ACV vẫn có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính ổn định, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài hơn kỳ vọng.

VCSC cho biết, tính đến cuối quý III/2020, ACV có số dư tiền mặt ròng đạt 19.000 tỷ đồng trong khi chi phí phi tiền mặt chiếm khoảng 38% tổng chi phí năm 2019.

Về những rủi ro, báo cáo cho thấy ACV có thể đối mặt với việc vốn xây dựng cơ bản cao hơn dự kiến; trì hoãn mở rộng công suất sân bay dẫn đến hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách.

Ngoài ra, các lệnh cấm di chuyển quốc tế kéo dài hay lỗ tỷ giá từ khoản nợ vay ngoại tệ cũng có thể tác động tiêu cực đến triển vọng của ACV.

Hiện ACV đang gấp rút hoàn thành các hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục đầu tư, nhận bàn giao đất theo quy định của pháp luật để khởi công dự án vào cuối tháng 12/2020.

Theo Quyết định số 1777 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt ngày 11/11/2020, ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với dự án thành phần 3, bao gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không...; hệ thống giao thông kết nối (tuyến số 1, 2).

Tổng mức đầu tư dự án thành phần này lên tới hơn 99.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Lợi nhuận Vinacomin ước đạt trên 2.000 tỷ đồng sau 11 tháng

Hồi đầu tháng 12, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chủ ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 9h hôm nay 8/12/2020

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như DIG, HPG, VNG, TLD… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam ...

Dow Jones “bốc hơi” gần 150 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp

Chốt phiên giao dịch đầu tuần (7/12), chỉ số Dow Jones giảm mạnh tới 148,47 điểm (tương đương 0,5%) xuống 30.069,79 điểm và chấm dứt ...

Phương Thảo