Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,2%, áp dụng từ năm 2026. Đây là tín hiệu tích cực với hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, mức tăng này vẫn “hơi non” so với sức ép từ giá cả thị trường và chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước và cao hơn 3,57% so với cùng kỳ. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,27%. Trong đó, nhiều mặt hàng thiết yếu đã âm thầm tăng giá mạnh, khiến chi phí sinh hoạt của người lao động bị đội lên đáng kể.

Tại buổi trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong, TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội cho biết, so với mức trượt giá, sự tăng trưởng, cũng như tình hình đời sống của người lao động, mức tăng 7,2%, cũng chưa đáp ứng được đầy đủ, vẫn còn "hơi non".

"Mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động chỉ với 7,2% mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa, chỉ cầm tiền cho đẹp" TS. Bùi Sỹ Lợi cho hay.

Trước đó, trong phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị, Nhà nước cần thiết lập cơ chế lương tối thiểu vùng hằng năm tự động tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát một chút để người lao động bảo đảm cuộc sống của mình, gia đình và có chút tích lũy phòng khi ốm đau, bệnh tật hay có việc cần chi tiêu.

Về mặt kinh tế học, mối quan hệ giữa tiền lương và giá cả còn thể hiện qua 2 thuật ngữ quan trọng là lương danh nghĩa và lương thực tế. Một cách dễ hiểu, lương danh nghĩa là toàn bộ số tiền theo thỏa thuận mà một người nhận được từ người sử dụng lao động hay là số tiền trên bảng lương – ví dụ 10 triệu đồng/tháng. Nhưng lương thực tế – chính là sức mua của số tiền ấy, lại phụ thuộc vào giá cả ngoài chợ, tiền điện, tiền nhà, tiền xăng...

Về mặt công thức:

Chỉ số tiền lương thực tế (%) = (Chỉ số tiền lương danh nghĩa/Chỉ số giá cả hàng hóa, dịch vụ) * 100%

Lương tăng không theo kịp giá thì người lao động chỉ ‘cầm tiền cho đẹp’
Lương tăng không theo kịp giá thì người lao động chỉ ‘cầm tiền cho đẹp’ (Ảnh minh họa)

Một ví dụ thực tế sẽ giúp chung ta hình dung vấn đề này rõ hơn. Năm 2024, một công nhân lĩnh lương 7 triệu đồng/tháng, mua gói mì với giá 4.000 đồng. Năm 2026, lương tăng lên 7,5 triệu – tăng 7%, nhưng giá gói mì đã lên 5.000 – tăng 25%.

Nếu coi gói mì là đơn vị đo sức mua, thì dù thu nhập danh nghĩa tăng, người lao động lại mua được ít hơn so với trước. Điều này cho thấy rằng lương tăng nhưng không bắt kịp tốc độ tăng giá hàng hóa, khiến sức mua thực tế giảm sút. Nói cách khác, người lao động không thực sự được cải thiện đời sống, thậm chí còn chịu áp lực tài chính lớn hơn khi mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cao hơn tốc độ tăng lương.

Bởi vậy, chính sách lương tối thiểu không thể đứng riêng. Nếu không có giải pháp đồng bộ để kiểm soát giá cả, ổn định lạm phát và bảo vệ sức mua của đồng lương, thì mức tăng 7,2% cũng chỉ là một con số đẹp, không giải được bài toán an sinh cho người lao động.