Bộ Công an vừa công bố loạt tiện ích mới trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, trong đó đáng chú ý là trợ lý ảo hành chính công tích hợp trí tuệ nhân tạo AI, một công cụ hứa hẹn thay đổi cách người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công.

Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội C06, đơn vị này đã tham mưu Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành triển khai “Cẩm nang hành chính” trên VNeID. Cẩm nang này cho phép người dùng tra cứu địa chỉ các cơ quan hành chính cấp xã như công an, ủy ban, đảng ủy; tra cứu danh mục thủ tục hành chính ở các cấp từ xã đến bộ ngành; xem thông tin lịch sử sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; tiếp cận tài liệu hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025; cũng như danh mục phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Người dùng VNeID cần biết ngay điều này để không thiệt quyền lợi
Người dân truy cập vào cẩm nang hướng dẫn để sử dụng trợ lý ảo AI

Trong số các tiện ích nổi bật lần này, trợ lý ảo hành chính công tích hợp AI được xem là điểm nhấn lớn. Trợ lý này có khả năng tra cứu thủ tục hành chính tại các cấp, hướng dẫn cụ thể quy trình, hồ sơ, biểu mẫu cần thiết, giải đáp chính sách và pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời cảnh báo người dùng về các thông tin sai lệch, hành vi lừa đảo lợi dụng việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi ra mắt, hệ thống trợ lý ảo đã ghi nhận gần 100.000 lượt tương tác, trong đó tỷ lệ phản hồi tiêu cực chỉ ở mức 1,8%, cho thấy mức độ hài lòng rất cao từ phía người sử dụng.

Người dùng VNeID cần biết ngay điều này để không thiệt quyền lợi
Chỉ trong tuần đầu tiên sau khi ra mắt, hệ thống trợ lý ảo đã ghi nhận gần 100.000 lượt tương tác, trong đó tỷ lệ phản hồi tiêu cực chỉ ở mức 1,8%

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã đưa 43 tiện ích khác lên VNeID, trong đó bao gồm 18,7 triệu giấy phép lái xe điện tử, 7 triệu đăng ký xe, 25 triệu thẻ và sổ sức khỏe điện tử, hơn 1 triệu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và gần 582.000 phiếu lý lịch tư pháp. Nhờ đó, hơn 2,5 triệu người dân đã nhận chế độ an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng với tổng số tiền trên 24.000 tỷ đồng; 78% người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đã thực hiện qua tài khoản với tổng chi trả hơn 41.000 tỷ đồng, giúp tiết kiệm khoảng 51 tỷ đồng chi phí đi lại và giảm đáng kể thời gian cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng.

Không dừng lại ở đó, C06 đang tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội An ninh mạng, Đại học Bách khoa Hà Nội để đưa lên nền tảng “Bình dân học vụ số” các học liệu phục vụ chuyển đổi số theo Đề án 06, kiến thức an toàn thông tin, khóa học lý thuyết lái xe và các nội dung về khung năng lực số cho cán bộ, công chức.

Việc triển khai các tiện ích nói trên thể hiện rõ định hướng lấy người dân làm trung tâm của Bộ Công an trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đồng thời mở ra một nền tảng số hữu ích, dễ tiếp cận và minh bạch hơn cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ công.