Một tuần đã trôi qua nhưng dư âm từ một ngày trọn vẹn mà rất nhiều lãnh đạo cấp cao từ Chính quyền, bộ ban ngành, doanh nghiệp đều hội tụ để tìm ra giải pháp tháo gỡ các vấn đề nhức nhối nhà ở xã hội vẫn còn đọng lại.

Thống kê của chúng tôi sau Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, những phát biểu của các bên liên quan được ghi nhận dài tương đương một cuốn sách 65 trang giấy với gần 25.000 chữ đã thể hiện tâm huyết của những người đứng đầu Nhà nước, cơ quan sở ban ngành, doanh nghiệp...đối với những người lao động nghèo đang loay hoay với vấn đề an cư-lạc nghiệp khiến bất kỳ ai cũng phải cảm động.

Chuyện nhà ở xã hội - vấn đề nhức nhối của toàn xã hội - đã được đưa ra mổ xẻ ở nhiều góc cạnh khác nhau. Mỗi cơ quan sở ban ngành đều đưa ra những góc nhìn về nhà ở xã hội để góp phần giải quyết những vướng mắc đang khiến những người công nhân nghèo khốn khổ!

Kết lại có thể thấy, 3 vấn đề trọng điểm khiến nhà ở xã hội "ách tắc" đã được hội nghị họp bàn để tìm ra giải pháp.

Nhà ở xã hội không những thiếu lại còn yếu

Tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề rằng tại rất nhiều địa phương thường xảy ra tình trạng "có 1.000 dân trong khi đó có 10.000 công nhân trọ". Tức, mỗi một người dân đang phải cáng đáng chỗ ở cho tận 10 người khác. Nhà trọ cho công nhân - như vậy - rất thiếu!

Không chỉ thiếu, nhà trọ còn yếu! Yếu cả về chất lượng xây dựng, diện tích mà còn yếu cả cơ sở vật chất xung quanh. Ông Khang quan ngại rằng, sự thiếu nói trên đi kèm với cái yếu. Trong đó, yếu nhất, đáng quan ngại nhất có thể là vấn đề môi sinh khi mà, hệ thống rác thải và nhiều hệ thống khác, khiến cho người dân lao động có cuộc sống không được đảm bảo.

Làm sao người dân lao động có thể có cuộc sống đảm bảo trong khi họ đang phải ở tại những căn nhà không đảm bảo về chất lượng?

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản hàng đầu khu vực TP. HCM Bitexco cũng đã có chia sẻ tâm tư với ông Khang. "Sếp" Bitexco mong rằng nếu như chúng ta vẫn sử dụng nhà trọ cho công nhân nhưng nâng cấp lên thì cuộc sống của người dân được cải thiện hơn, hiện đại hơn, quy mô tốt hơn. Việc người dân lao động có được cuộc sống tốt cũng đồng thời thúc đẩy họ trong công việc, và sẽ giúp cho nền kinh tế nước ta đi lên, phát triển bền vững.

Cần cởi trói nhiều quy định cho nhà ở xã hội

Thời điểm hiện tại, Chính phủ đã có những quy định hỗ trợ sự phát triển nhà ở xã hội như: Dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm...Tuy nhiên, quy định tưởng như "mở đường" cho nhà ở xã hội lại "giữ chân" các bên liên quan trong việc triển khai.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ ra, hiện có nhiều quy định pháp luật đang gây khó khăn, trở ngại trong việc xây dựng dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, như: Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn...

Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Cùng ý kiến, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, hiện thủ tục phê duyệt dự án rất lâu. Theo tìm hiểu, sẽ mất tối thiểu 600 ngày mới có thể hoàn thành xong thủ tục phê duyệt. Ông Phạm Thiếu Hoa cũng đề nghị nên giảm quy trình đấu thầu, phê duyệt nhà ở xã hội giảm xuống còn 90 -120 ngày nhằm có thời gian để địa phương có thể công bố dự án, doanh nghiệp có thể đấu thầu. Đồng thời, Chính phủ có thể tham gia thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, chính sách phát triển nhà ở xã hội hướng đến những người có khả năng tài chính phù hợp. Tuy nhiên, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở trong các khu thương mại, đô thị còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đưa ra những chính sách, pháp lý dành cho những người lao động trong việc đóng góp ý kiến vào xây dựng nhà ở xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM kiến nghị Thủ tướng cần có chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, nhà ở xã hội ở các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian để giải quyết hồ sơ cũng như các hoạt động về đầu tư xây dựng.

Đứng ở vai trò doanh nghiệp bất động sản, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường cũng bày tỏ mong muốn liên quan quy định quỹ đất. Theo ông , đối với những địa phương đã dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội thì không cần thiết phải "cắt đất" của các dự án thương mại, đô thị nữa.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị.

Cần mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội

Một trong những vấn đề quan trọng mà các bên liên quan cũng đề cập tại hội nghị đó là: Đối tượng thụ hưởng lợi ích từ nhà ở xã hội.

Theo quan điểm của ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, hiện nay không chỉ công nhân, người lao động có nhu cầu thuê nhà ở xã hội mà những tầng lớp tri thức hơn như kỹ thuật viên, chuyên gia kỹ thuật,...cũng cần Nhà ở xã hội. Lý do mà ông Trường đưa ra là nước ta hiện đã có nhiều khu công nghiệp chuyên ngành công nghệ cao. Đi kèm với đó là sự xuất hiện nhiều hơn của các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật cao cấp. Cho nên việc những căn hộ nhà ở xã hội đáp ứng được nhu cầu sống không chỉ của người dân lao động, công nhân mà cả của những tầng lớp tri thức khác cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, không chỉ mở rộng đến với tầng lớp tri thức trong các khu công nghiệp, Chủ tịch Sun Group còn muốn nhà ở xã hội có thể tiếp cận đến các chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp sở hữu được những căn hộ nhà ở xã hội rồi cho thuê lại, sẽ giúp cho những công nhân, người dân lao động có thu nhập thấp có thể thuê lại mà không cần lo nghĩ đến việc là bao nhiêu tiền mới đủ để mua được một căn hộ. Những người dân chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ hơn trước rất nhiều là có thể sở hữu được nhà ở mà mình mong muốn và điều nay sẽ phù hợp với thu nhập hàng tháng của họ hơn.