Người tiên phong khởi xướng mô hình nuôi sâm cầm tại xã Nghĩa Phương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là anh Phạm Văn Hùng, một nông dân có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi. Mọi chuyện bắt đầu khi người dân địa phương phát hiện một tổ sâm cầm bên bờ ao với những quả trứng còn nguyên vẹn. Thay vì bỏ qua, họ mang về thử ấp, mở ra cơ hội để loài chim “tiến vua” này trở lại.
Nhận thấy sâm cầm không chỉ hiếm mà còn có tiềm năng kinh tế cao, anh Hùng bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng tập tính, chế độ ăn uống, khả năng sinh sản và môi trường sống của chúng. Với diện tích trang trại rộng 17.000m², anh từng bước hình thành hệ thống nuôi khép kín, hiện đại, đảm bảo điều kiện sống tối ưu cho gần 10.000 con chim bố mẹ.
![]() |
Anh Hùng chăm sóc chim sâm cầm non. Ảnh minh họa |
Theo anh Hùng, sâm cầm thuộc nhóm thủy cầm, có khả năng thích nghi tốt với môi trường nuôi nhân tạo. Chim non mới nở đã có thể tự ăn, ít bệnh, dễ chăm sóc và chu kỳ sinh trưởng chỉ khoảng 3 tháng, giúp người nuôi nhanh chóng quay vòng vốn và hạn chế rủi ro.
Chính nhờ đặc điểm sinh học thuận lợi và giá trị thương phẩm cao, nghề nuôi sâm cầm mang lại nguồn thu không nhỏ. Một quả trứng có thể bán với giá từ 100.000 đến 200.000 đồng, chim trưởng thành gần 1 triệu đồng/con, trong khi cặp giống thuần chủng có thể lên đến hơn 2 triệu đồng. Mỗi năm, trang trại của anh Hùng xuất ra thị trường khoảng 40.000 con, chủ yếu phục vụ nhà hàng, khách sạn cao cấp trên toàn quốc. Lợi nhuận ước tính vượt 1 tỷ đồng mỗi năm.
![]() |
Sâm cầm từng là chim tiến vua, hiện được bán với giá cực cao trên thị trường. Ảnh minh họa |
Dù mang lại nguồn thu lớn, nghề nuôi sâm cầm không phải dễ tiếp cận. Đây là loài động vật hoang dã, việc nuôi nhốt cần được cơ quan kiểm lâm cấp phép và quản lý chặt chẽ. Người nuôi cần có chứng nhận nguồn gốc giống, mã số cơ sở chăn nuôi và phải thực hiện kiểm tra định kỳ. Anh Hùng là một trong số ít nông dân ở Bắc Ninh thực hiện đầy đủ các quy trình này ngay từ đầu, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc mở rộng sản xuất cũng như hướng đến xuất khẩu.
Không giữ bí quyết riêng cho mình, anh Hùng còn tích cực chia sẻ con giống, kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con địa phương. Anh kỳ vọng xây dựng được một chuỗi nuôi sâm cầm tập trung, đồng nhất về chất lượng và đầu ra, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.