Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng tháng 6/2025 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục duy trì mức độ đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng ở mức cao trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ đáp ứng dao động từ 75–100%, trong đó nhóm 16 ngân hàng thương mại trọng yếu đạt tỷ lệ 100%.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn thuận lợi hơn, phần lớn TCTD đã giữ ổn định tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời, các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể được nới lỏng, áp dụng đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm các khoản vay phục vụ sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng.
Trong nửa cuối năm 2025, các TCTD dự kiến sẽ giữ nguyên hoặc tiếp tục nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng. Mức nới lỏng này chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và áp dụng trên diện rộng cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên. Trong đó, đáng chú ý có tín dụng xanh, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông – lâm – thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến – chế tạo, cho vay tiêu dùng và các khoản vay liên quan đến nhu cầu nhà ở như thuê, mua, xây dựng hoặc sửa chữa.
Về phía cầu tín dụng, các TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn trong 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện rõ rệt so với nửa đầu năm. Mức tăng chủ yếu đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và các lĩnh vực như đầu tư công nghiệp chế biến – chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong số sáu lĩnh vực chính được khảo sát, thương mại và dịch vụ là nhóm có tỷ lệ TCTD dự báo nhu cầu vay vốn tăng cao nhất. Tiếp đến là các lĩnh vực phát triển công nghiệp và xây dựng, tín dụng xanh, vay tiêu dùng và phục vụ đời sống, phát triển nông – lâm – thủy sản, cùng với đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Đáng chú ý, nhiều TCTD nhận định rằng trong năm 2025, nhu cầu vay vốn của nhóm khách hàng doanh nghiệp sẽ tăng mạnh hơn so với khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, các khoản vay ngắn hạn được dự báo có mức tăng trưởng cao hơn so với các khoản vay trung và dài hạn. Sự gia tăng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp được cho là bắt nguồn từ các yếu tố như tăng trưởng kinh tế tích cực, diễn biến lãi suất thuận lợi, điều chỉnh lãi suất cho vay của ngân hàng và nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh gia tăng. Trong khi đó, với nhóm khách hàng cá nhân, việc cải tiến sản phẩm cho vay của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Các lĩnh vực được đánh giá là động lực tăng trưởng tín dụng nổi bật trong năm 2025, và có thể tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong năm 2026, bao gồm xây dựng, công nghiệp chế biến – chế tạo, bán buôn – bán lẻ, sản xuất thực phẩm và đồ uống.
Về mặt rủi ro, trong 6 tháng đầu năm 2025, rủi ro tín dụng được nhận định đã giảm nhẹ. Một số TCTD lo ngại rủi ro có thể tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm, song mức tăng dự báo là không đáng kể và thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2023–2024. Tính đến cuối năm 2025, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể được kỳ vọng sẽ không thay đổi so với cuối năm 2024. Đa số lĩnh vực đều được đánh giá có cải thiện về chất lượng tín dụng, ngoại trừ hai lĩnh vực là đầu tư kinh doanh bất động sản và đầu tư kinh doanh chứng khoán, vốn được đánh giá là có mức rủi ro tăng cao nhất.
Bước sang năm 2026, các TCTD kỳ vọng mặt bằng rủi ro tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện. Tuy vậy, vẫn có những quan ngại về khả năng rủi ro gia tăng nhẹ ở một số lĩnh vực như đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư chứng khoán, hoạt động tài chính – ngân hàng – bảo hiểm và vay qua thẻ tín dụng.