Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, việc sở hữu một chiếc ô tô không đơn thuần là câu chuyện của tiền bạc hay nhu cầu đi lại, mà là một cuộc đua may rủi có thể kéo dài nhiều năm. Thành phố này từ lâu đã nổi tiếng là nơi khó đăng ký ô tô bậc nhất thế giới, bởi hệ thống rút thăm cấp biển số được áp dụng chặt chẽ, đi kèm hàng loạt điều kiện pháp lý khắt khe mà ít đô thị nào trên thế giới có thể sánh bằng.

Từ năm 2011, chính quyền Bắc Kinh triển khai cơ chế hạn ngạch bằng hình thức rút thăm công khai để kiểm soát số lượng xe cá nhân gia tăng quá nhanh. Mỗi kỳ rút thăm có thể có tới hàng triệu người tham gia, nhưng chỉ vài chục nghìn biển số được cấp ra. Tỷ lệ trúng thường chỉ từ 0,2 đến 0,5%, có giai đoạn tụt xuống chỉ còn 1/2.000, tức là cứ 2.000 người bốc thăm mới có một người trúng. Thậm chí, tỷ lệ này còn thấp hơn tỷ lệ trúng tuyển vào các đại học danh giá nhất Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa là, có tiền cũng chưa chắc đã được phép lái xe tại thành phố này.

Thực tế, việc mua ô tô ở Bắc Kinh là điều rất dễ dàng, bởi giá xe ở Trung Quốc nhìn chung tương đối mềm nhờ năng lực sản xuất nội địa lớn và chính sách ưu đãi. Nhưng khi đã mua xong xe, điều người dân quan tâm nhất không phải là bảo hành hay phí bảo trì, mà là câu hỏi: làm sao có được biển số để được lưu thông? Nếu không có biển số, chiếc xe sẽ phải nằm phủ bạt trong bãi gửi xe, không được phép di chuyển trên bất kỳ tuyến đường hợp pháp nào.

Ở một thành phố người dân mua ô tô như 'mua rau', nhưng để được lái trên đường thì điều kiện còn khó hơn trúng tuyển đại học top đầu thế giới
Việc được cấp biển số xe ô tô ở Bắc Kinh là điều không đơn giản. Ảnh minh hoạ

Ngay cả khi may mắn bốc trúng biển, người trúng cũng phải đối mặt với một cái giá không hề nhẹ. Do hạn chế nghiêm ngặt và nguồn cung khan hiếm, thị trường ngầm mua bán, thuê mượn biển số tại Bắc Kinh đã bùng phát trong hơn một thập kỷ qua. Giá trị của một tấm biển số xe chạy xăng hiện nay có thể dao động từ 70.000 đến 200.000 nhân dân tệ, tương đương 250 triệu đến 750 triệu đồng, thậm chí có thời điểm vượt mốc 1 tỷ đồng. Với biển số đẹp hay loại mang mã vùng danh giá (như biển Jing-A), giá có thể được đội lên tới 600.000 nhân dân tệ – tương đương hơn 2,3 tỷ đồng. Trong khi đó, hình thức thuê biển số không chính thức cũng tiêu tốn mỗi năm từ 20 đến 40 triệu đồng, tùy loại và thời hạn thuê.

Song hành với khó khăn về tỷ lệ rút thăm và chi phí khổng lồ, người dân Bắc Kinh còn phải vượt qua nhiều rào cản hành chính: chỉ người có hộ khẩu chính thức tại thủ đô mới đủ điều kiện đăng ký; nếu từng bán xe, người đó cũng phải quay lại từ đầu; và kể cả có xe và có biển người dân cũng vẫn có phải áp dụng chế độ lưu thông theo ngày chẵn - lẻ khi có yêu cầu.

Chính sách này vốn ra đời như một biện pháp cứng rắn cần thiết khi số lượng xe cá nhân tại Bắc Kinh vượt mốc 4 triệu vào năm 2010. Hạ tầng thành phố khi đó rơi vào khủng hoảng, giao thông tắc nghẽn kéo dài nhiều giờ, ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép. Trước nguy cơ vỡ trận đô thị, thành phố chọn cách siết đầu vào phương tiện - bằng biển số.

Dù gây tranh cãi, biện pháp này đã giúp Bắc Kinh giảm đáng kể tốc độ gia tăng xe cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng – vốn được đầu tư mạnh mẽ. Đồng thời, thành phố cũng ưu tiên phát triển xe điện bằng cách thiết lập hạn ngạch riêng, nâng tỷ lệ trúng thăm, và đẩy nhanh xây dựng trạm sạc. Tuy vậy, chi phí xe điện vẫn cao và hạ tầng sạc còn hạn chế, khiến người dân do dự khi chuyển đổi.

Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đang là ví dụ tiêu biểu cho xu hướng quản lý giao thông đô thị bằng công cụ hành chính thay vì chỉ dựa vào điều tiết giá cả. Nhưng đằng sau lớp vỏ hiệu quả là bài toán chưa có lời giải: làm sao để người dân tiếp cận công bằng với phương tiện cá nhân, mà không khiến thành phố bị “nghẹt thở” vì xe cộ?