Ngày 18/7 tại Hà Nội, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem, HNX: PVC) và CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án sản xuất xơ sợi polyester từ nhựa PET tái chế. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và xanh hóa chuỗi giá trị dệt may của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
![]() |
Tổng Giám đốc PVChem Dương Trí Hội và Tổng Giám đốc VNPOLY Trần Huy Thư đại diện 2 đơn vị ký kết hợp tác (Ảnh: PetroTimes) |
Sự kiện ký kết nằm trong khuôn khổ Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm giữa VNPOLY và các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), do Petrovietnam chủ trì. Thỏa thuận không chỉ giúp gia tăng giá trị thương mại song phương, mà còn đặt nền móng hình thành một chuỗi cung ứng nội địa khép kín – từ PET tái chế đến xơ sợi, phục vụ trực tiếp ngành dệt may xuất khẩu.
Theo nội dung hợp tác, PVChem sẽ cung cấp sản phẩm PET chip tái chế – nguyên liệu đầu vào để sản xuất sợi POY cho VNPOLY. Hai bên cam kết hợp tác toàn diện, phối hợp nghiên cứu kỹ thuật, tối ưu hóa nguyên liệu và cùng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đánh giá cao vai trò kết nối của PVChem trong chuỗi giá trị “hóa chất – xơ sợi – dệt may”. Ông Hùng cho rằng việc phát triển nguồn cung trong nước là nhiệm vụ cấp thiết, khi Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn xơ polyester (PSF), với tổng nhu cầu gần 500.000 tấn/năm.
Theo Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ áp dụng các quy định khắt khe về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, việc chủ động xây dựng chuỗi sản xuất xơ sợi nội địa từ rác thải nhựa tái chế sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Thỏa thuận với VNPOLY cũng là bước tiếp theo trong chiến lược dài hạn của PVChem về phát triển PET tái chế tại Việt Nam. Trước đó, ngày 26/6/2025, PVChem đã ký hợp tác với 2 đối tác chiến lược – Công ty TNHH Kỹ thuật Môi trường Zhejiang BoReTech (Đài Loan) và CTCP Môi trường Nghi Sơn (NSEC) – để triển khai tổ hợp sản xuất nhựa rPET tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án tại Nghi Sơn có công suất thiết kế 200.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ tiên tiến của Áo, tích hợp cải tiến từ BoReTech, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như FDA (Hoa Kỳ) và EFSA (châu Âu). Sản phẩm rPET từ đây không chỉ phục vụ ngành dệt may mà còn có tiềm năng ứng dụng trong thực phẩm, đồ uống và bao bì xuất khẩu.
Giai đoạn 1 của tổ hợp rPET dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại từ quý IV/2026. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho ngành tái chế Việt Nam, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, theo hướng phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).
Lãnh đạo Petrovietnam khẳng định, sự phối hợp giữa các đơn vị nội khối và đối tác chiến lược như VNPOLY, Vinatex, BoReTech không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng mà còn khẳng định cam kết của Petrovietnam trong vai trò “đầu tàu” phát triển công nghiệp hỗ trợ – năng lượng xanh – tuần hoàn.
Với việc đưa vào vận hành các dự án PET tái chế quy mô lớn, ngành công nghiệp hóa chất và dệt may Việt Nam có thêm công cụ để cải thiện tỷ lệ nội địa hóa, giảm áp lực môi trường và nâng cao giá trị xuất khẩu bền vững. Đồng thời, mô hình hợp tác này cũng mở ra dư địa lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực tái chế, công nghệ môi trường và chuỗi cung ứng xanh.