Việt Nam tích cực đẩy mạnh hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt năm 2020

Cập nhật: 12:11 | 21/01/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo mục tiêu được Chính phủ đặt ra, đến năm 2020 tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt thấp trong khu vực.

viet nam tich cuc day manh he sinh thai thanh toan khong dung tien mat nam 2020

Agribank triển khai nhiều giải pháp cho kênh thanh toán không dùng tiền mặt

viet nam tich cuc day manh he sinh thai thanh toan khong dung tien mat nam 2020

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2020

viet nam tich cuc day manh he sinh thai thanh toan khong dung tien mat nam 2020

Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng bằng thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước và các đối tác trong hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, dịch vụ, tăng trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử vẫn phổ biến đang là “điểm trừ” lớn nhất hiện nay của hoạt động thương mại điện tử.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Để góp phần giải bài toán thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (Napas) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử: Chuyển động cùng công nghệ chip".

Diễn đàn thực sự là tiếng nói quan trọng của các bên khi mà Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đang bước sang giai đoạn nước rút và con số mục tiêu 30% tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến năm 2020 dường như khó đạt được.

Theo số liệu mà Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương đưa ra, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị. Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.

Trước thềm diễn đàn, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, quản lý ngân hàng. Các chuyên gia dẫn chứng: từ năm 2015, tại Thuỵ Điển, tổng giá trị tiền mặt được dùng để thanh toán chỉ chiếm khoảng 2% tất cả các giao dịch thanh toán.

viet nam tich cuc day manh he sinh thai thanh toan khong dung tien mat nam 2020
Ảnh minh họa

Cũng theo thống kê, đến hết năm 2015 có 900 trong tổng số 1.600 chi nhánh ngân hàng tại Thụy Điển không còn giữ tiền mặt hay nhận tiền gửi của khách hàng bằng tiền mặt và các máy rút tiền tự động (ATM) dường như rất khó tìm tại đất nước này.

Trong một hội thảo về xã hội không tiền mặt mới đây, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng Thư kí Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng dẫn chứng, tại Trung Quốc, mặc dù đi sau Mỹ về độ phủ ngân hàng, nhưng nhờ thanh toán điện tử, họ trở thành đi đầu và vượt xa các nước về thanh toán điện tử. Thậm chí họ không dùng tiền mặt nữa; người dân thanh toán cho cả những món hàng giá trị nhỏ bằng điện thoại, mã QR...

Các doanh nghiệp trung gian thanh toán tại Trung Quốc đã cố gắng để tối đa hóa kênh, phương tiện cho thanh toán điện tử, không cần phải giấy tờ, không cần phải xếp hàng, không cần quá nhiều bước xác thực...

"Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25 đến 30% mỗi năm, riêng năm 2018, tổng giá trị giao dịch đạt 8 tỷ USD. Đúng ra, sự gia tăng của thương mại điện tử phải kéo theo sự gia tăng của các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam thì khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền.

Điều đó cho thấy rào cản lớn nhất của việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng... Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt", ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Tuy nhiên, một vấn đề được các chuyên gia đưa ra là muốn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì phải có tài khoản ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ có khoản 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi đó 70% dân số vẫn tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Đây là bài toán khó cho cả ngân hàng và fintech trong việc thúc đầy thanh toán không tiền mặt. Do đó, để đẩy nhanh lộ trình phi tiền mặt hóa các giao dịch, chúng ta phải đáp ứng được hai vấn đề. Thứ nhất là Chính phủ tạo phải điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty fintech, bigtech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Khi có được các hành lang pháp lý và chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý thì các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Vấn đề thứ hai là nâng cao ý thức của người dân về việc thanh toán không tiền mặt. Phải cho người dân thấy lợi ích của việc không dùng tiền mặt để họ lựa chọn các phương thức thanh toán điện tử khác...

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đầy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều chuyên gia cũng dẫn chứng, như tại Thụy Điển, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm sử dụng tiền mặt tại một số dịch vụ công như trong sử dụng phương tiện giao dịch công cộng như xe bus, tàu...

Tại Pháp và Bỉ đưa ra quy định giao dịch có giá trị lớn hơn 3.000 EUR phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất cao. Còn ở Hàn Quốc đã áp dụng chính sách khấu trừ 1% tổng số VAT thu được trên doanh số bán cho các đơn vị chấp nhận thẻ, khấu trừ 10% thuế thu nhập đối với các khoản chi bằng thẻ vượt quá 10% thu nhập hàng năm.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: phấn đấu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; và đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.

Chỉ 10% giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt

Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 với tiêu đề “Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung” của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, dự báo thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ phát triển nhanh chóng, có thể đạt 102 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực, sau Indonesia (12,2 tỷ USD năm 2018) và Thái Lan (3 tỷ USD năm 2018) và sẽ còn phát triển hơn nữa. Quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 0,4 tỷ USD năm 2015 lên 2,8 tỷ USD năm 2018.

Đáng chú ý, báo cáo của WB cho rằng, hiệu suất của Việt Nam về mặt thúc đẩy nền kinh tế số tương đương với các nước ở Đông Nam Á, ngoại trừ thanh toán.

Cụ thể, về kết nối số, 82% dân số tại Việt Nam có thể truy cập Internet tốc độ cao, trong khi chỉ có 12% sử dụng băng thông rộng cố định (hầu hết người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng sử dụng băng thông rộng di động).

Trong khi đó, về thanh toán, chỉ có 10% người dùng trả tiền trực tuyến để mua hàng trên internet, mức này thấp hơn đáng kể so với Indonesia và Malaysia, có nghĩa rằng 90% người tiêu dùng thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tiền mặt để mua trực tuyến.

Trong số này, 51% doanh nghiệp bán hàng trực tuyến sử dụng thanh toán số, đó là mức trung bình của Đông Nam Á.

Về chính sách và quy định, những hạn chế lớn của Việt Nam về luồng dữ liệu xuyên biên giới có thể hạn chế các hoạt động thương mại điện tử, trong khi các quy định về bảo mật dữ liệu và quy định bảo vệ người tiêu dùng được coi là có tác động tích cực đến sự phát triển của thương mại điện tử.

“Điểm trừ” về thanh toán trong thương mại điện tử cũng đã được đề cập nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt vừa qua.

Theo Sách Trắng thương mại điện tử 2019 do Cục Thương mại điện tử, Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cuối tháng 9/2019, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán phổ biến được người mua hàng trực tuyến lựa chọn.

Tỷ lệ người dùng thanh toán bằng ví điện tử vẫn còn thấp, chỉ 17% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm trực tuyến vẫn chiếm tới 88% (năm 2017 là 82%).

Việc trả tiền qua thẻ ATM nội địa trong năm ngoái được ghi nhận giảm từ mức 48% (năm 2017) xuống 42%. Trong khi đó thanh toán qua thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ lại tăng từ 19% (năm 2017) lên 31% trong năm ngoái.

Mặc dù, thói quen thanh toán tiền mặt của người dân vẫn đang là rào cản để Việt Nam hướng đến xã hội không tiền mặt, tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thanh toán số có sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2019, trung bình mỗi ngày giao dịch điện tử đạt 380.000 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD/ngày.

Trong khi đó, thanh toán bằng tiền mặt trong thương mại điện tử chỉ khoảng 7 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng đã đạt đến 43 triệu, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành. So với năm 2015, số liệu này đã tăng gấp đôi, khi năm 2015 con số này chỉ là 31%.

Cũng theo ông Dũng, tính đến cuối tháng 11/2019, giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tăng 42% về số lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và 37% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động tăng 169% về số lượng và 225% về giá trị.

Hiện, cả nước đang có khoảng 19.000 máy ATM, 267.999 máy POS và 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR Code…

Hoàn thiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt

Để xóa thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của người dùng, các đối tác trong hệ sinh thái không dùng tiền mặt ở Việt Nam như ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech)… đang đẩy mạnh thanh toán số với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo ông Trần Việt Vĩnh, Tổng Giám đốc Fiin Credit, nếu như trước đây, việc sử dụng các các ứng dụng online để thanh toán còn khá xa lạ, chủ yếu sử dụng tiền mặt nhưng đến vài năm gần đây khi các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam thì các ứng dụng thanh toán như Momo, Grab, VNPay… đã phát triển nở rộ và ngày càng phổ biến với người dân.

Thị trường fintech ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019, với nhiều hoạt động, hợp tác, kết nối, nhất là trong lĩnh vực trung gian thanh toán, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tính đến hết năm 2019, thị trường đã ghi nhận có đến khoảng 200 doanh nghiệp fintech.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng, xu hướng phát triển tài chính số, đặc biệt là ngân hàng số, fintech sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2020.

Đặc biệt, với việc Chính phủ chính thức cho phép Mobile money triển khai và hành lang pháp lý chi phối fintech, cho vay ngang hàng… được ban hành sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán không tiền mặt và cho vay trực tuyến phát triển sôi động hơn.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn; cơ chế thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các dịch vụ số; tăng cường tích hợp, kết nối với các lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái số; khuyến khích triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cơ bản trên điện thoại thông minh, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng...

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng thực hiện tốt việc giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, hiệu quả; đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử…

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 về tiếp tục thiện hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trong đó có nội dung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4.

Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu đơn vị này chủ trì, phối hợp đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới.

Chính phủ cũng yêu cầu phải tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất biện pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Cả 2 yêu cầu này buộc phải hoàn thành trong quý 4/2020.

Các chuyên gia cho rằng, với sự định hướng này của Chính phủ và các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện hơn trong thời gian tới.

Điều này cũng kéo theo hệ sinh thái không dùng tiền mặt như fintech, chuyển đổi số… trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ hơn.

Thu Hoài

Tin liên quan