Chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới", ngày 18/7, bà Betty Palard, Phó chủ tịch Ủy ban tăng trưởng xanh của Eurocham cho hay: Thị trường tín chỉ carbon đang là một cơ hội lớn cho Việt Nam – không chỉ về kinh tế, mà còn là chìa khóa để thúc đẩy chuyển dịch xanh, xây dựng thương hiệu quốc gia và tái định vị doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng để khai thác được giá trị đó, Việt Nam không thể chỉ “làm cho xong” rồi mang bán.

“Tín chỉ carbon không phải là thứ chỉ cần đo lường rồi cầm ra chợ quốc tế mà rao giá. Muốn bán được giá cao, bạn phải kể được câu chuyện đằng sau nó: Ai làm ra, làm như thế nào, tác động gì tới cộng đồng, môi trường, và vì sao thế giới nên tin vào giá trị ấy", bà Betty nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch EuroCham: Tín chỉ carbon là tranh Van Gogh thời hiện đại, biết kể chuyện mới bán được giá
Tín chỉ carbon không phải là thứ chỉ cần đo lường rồi cầm ra chợ quốc tế mà rao giá. Muốn bán được giá cao, bạn phải kể được câu chuyện đằng sau nó.

Ở các thị trường phát triển như châu Âu, tín chỉ carbon không đơn thuần là “giấy chứng nhận” cho việc giảm phát thải. Nó được định giá dựa trên uy tín, mức độ minh bạch, tính bổ sung và narrative (câu chuyện đi kèm).

Một cây thông tại Pháp có thể tạo ra tín chỉ carbon trị giá 90 USD, trong khi tại Việt Nam, cùng loại cây, chỉ có giá 5 USD. Cây vẫn là cây. Carbon vẫn là carbon. Nhưng điều tạo nên giá trị là cách bạn mô tả cây đó.

"Đó không còn là thị trường kỹ thuật nữa. Đó là thị trường niềm tin. Và giống như nghệ thuật – Tại sao một bức tranh Van Gogh sơn dầu lại có giá hàng triệu đô la trong khi các bức tranh khác không đáng giá? Bởi vì chính người xem nghệ thuật tạo ra giá trị", bà nhận định.

Để thành công, chuyên gia Eurocham cho rằng, cần những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có tầm nhìn cao để tạo ra thương hiệu cho tín chỉ carbon Việt Nam – gắn với câu chuyện phục hồi đất, nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và an ninh lương thực.

"Hạ tầng nông nghiệp của Việt Nam rất quan trọng. Ai cũng hiểu rằng về an ninh lương thực, 42 quốc gia đang ăn gạo của Việt Nam. Nếu chúng ta cứ gặp khó khăn hàng năm do biến đổi khí hậu, 42 quốc gia đó cũng sẽ gặp vấn đề lớn. Đây là một câu chuyện rất sâu sắc về tư duy và chiến lược".

Bà Betty chia sẻ bài học then chốt từ ba thị trường lớn:

Châu Âu: Dẫn đầu về minh bạch dữ liệu. Tín chỉ của họ có giá trị cao vì được xác minh chặt chẽ, có hệ thống theo dõi dài hạn và minh bạch.

Hàn Quốc: Phát triển thị trường theo hướng giao dịch tự nguyện, sau đó mở rộng sang cơ chế đấu giá và sự tham gia của ngân hàng. Điểm mạnh là không cần phụ thuộc quá nhiều vào chính sách nhà nước ngay từ đầu.

Trung Quốc: Tập trung chính sách nhà nước vào lĩnh vực điện, các ngành khác để doanh nghiệp tự vận hành. Đăng ký nhiều tín chỉ carbon liên quan đến biochar – một lĩnh vực Việt Nam cũng đang có tiềm năng lớn.

“Việt Nam nên chọn mô hình lai – Nhà nước định hướng ở lĩnh vực phát thải lớn, còn lại để doanh nghiệp và cộng đồng cùng chơi", bà nhận định.

Đồng thời, bà cũng đưa ra cảnh báo: “Nếu chỉ chạy theo giảm phát thải mà bỏ quên nhiệm vụ phục hồi đất, bảo vệ rừng và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chúng ta sẽ thất bại. Vì tín chỉ hấp thụ được hôm nay có thể bốc hơi vì thiên tai ngày mai".

Việt Nam đang ở trong khu vực cực kỳ nhạy cảm về khí hậu. Vì thế, chiến lược carbon cần gắn chặt với phục hồi nông nghiệp, chống xói mòn, bảo vệ rừng và cộng đồng.

“Chúng ta đã đến sau trong cuộc chơi đô la và vàng. Nhưng tín chỉ carbon là cuộc chơi mới – và lần này, Việt Nam có thể đi đầu,” chuyên gia Eurocham nói đầy tâm huyết.