Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022 khoảng 14,17%, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Cụ thể, theo chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 vừa ban hành ngày 17/01/2023 nêu rõ, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Ngành tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng được theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Việc cấp tín dụng sẽ được xem xét ưu tiên theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ, đáp ứng điều kiện theo quy định.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Con số này thấp hơn định hướng tăng trưởng tín dụng 15,5 - 16% mới được điều chỉnh vào đầu tháng 12.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ tăng trưởng tín dụng tăng thấp so với định hướng mới là vì năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao hơn cũng làm giảm nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, ngân hàng siết chặt các quy định kiểm soát rủi ro khiến việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.