Nhấn mạnh bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền, càng tăng nguy cơ thiệt hại. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất của bão.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc giá để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó. Đặc biệt, cần xác định rõ những công trình có nguy cơ cao, dựa trên bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời, khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh, phân công từng thành viên phụ trách.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/MK |
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan truyền thông cập nhật liên tục thông tin cảnh báo vùng nguy hiểm trên biển, đặc biệt là khu vực tàu thuyền hoạt động, đảm bảo thông tin kịp thời để ngư dân di chuyển đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, kiểm tra hệ thống đê điều tại các khu vực trọng yếu như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định – nơi có nhiều tuyến đê chưa hoàn thành, cần tu bổ, sửa chữa gấp.
Ngoài ra, các đài khí tượng thủy văn phải dự báo cụ thể khu vực chịu ảnh hưởng của triều cường; cảnh báo khu vực có mưa lớn, nguy cơ ngập úng, lũ ống, sạt lở đất cao để địa phương chủ động phương án sơ tán dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo, tổ chức thực hiện hiệu quả biện pháp phòng, chống bão số 3.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý: “Ngoài việc đưa ra các số liệu và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... Có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh”.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT...) khẩn trương kiểm tra kết nối hệ thống thông tin tại các khu vực nguy cơ cô lập cao như các đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa… không để lặp lại tình trạng mất liên lạc hay đứt gãy thông tin chỉ đạo như trong các tình huống thiên tai trước đây, đặc biệt tại các khu vực miền núi Nghệ An, Thanh Hóa và vùng ven biển.