Quốc hội thông qua phương án “giải cứu” Vietnam Airlines

Cập nhật: 07:00 | 18/11/2020 Theo dõi KTCK trên

Chiều ngày 17/11/2020, trong phiên họp bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thị trường chứng khoán ngày 18/11/2020: Thông tin trước giờ mở cửa

PVN ước hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu trong 10 tháng, nộp ngân sách trên 58 nghìn tỷ đồng

5714-quyc-hyi-khoa-xiv
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Nguồn: quochoi.vn)

4 giải pháp cứu Vietnam Airlines

Theo Nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN). Theo đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 02 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán. Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

Nghị quyết yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định.

Vietnam Airlines được yêu cầu tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch COVID-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung nêu trên, có ý kiến đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo tình hình thực tế. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Dòng tiền kinh doanh âm, tài sản giảm hơn 14.000 tỷ đồng trong 9 tháng

Năm 2020, có thể nói là năm kinh hoàng của ngành hàng không khi đại dịch COVID-19 lan ra toàn cầu và lệnh đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội triển khai ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào các hãng hàng không quốc tế.

Tại Việt Nam, do đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại, nhu cầu di chuyển nội địa hạn chế, nên kết quả kinh doanh của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines sụt giảm mạnh.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Vietnam Airlines cho thấy doanh thu thuần đạt 7.602 tỷ đồng, chỉ tương đương 30% cùng kỳ 2019. Lỗ sau thuế 3.997 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 1.132 tỷ đồng.

Sau khi làn sóng lây nhiễm thứ 1 được kiểm soát thì các đường bay trong nước bắt đầu nhộn nhịp trở lại vào tháng 6 và 7, quý III tưởng chừng là thời điểm ngành hàng không bắt đầu phục hồi. Nhưng làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng tiếp tục đẩy Vietnam Airlines chìm trong thua lỗ.

4645-san-bay-ya-nyng
Sân bay Đà Nẵng đóng cửa trong gần 1,5 tháng từ cuối tháng 7 khiến tần suất khai thác các chuyến bay nội địa giảm mạnh. (Nguồn: baodanang.vn)

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất của tổng công ty giảm 57% còn 32.411 tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất 10.676 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines từng đưa ra ước tính lỗ hợp nhất 10.750 tỷ đồng trong 9 tháng, chênh lệch không nhiều so với số lỗ theo báo cáo tài chính đã công bố.

Theo số liệu của Cục Hàng không, các hãng bay Việt Nam khai thác tổng cộng 159.808 chuyến bay trong ba quý đầu năm 2020, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vietnam Airlines khai thác trên 64.400 chuyến bay, giảm 35,5%. Hai hãng bay khác cùng thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng chứng kiến hoạt động giảm sút: Pacific Airlines bay hơn 11.300 chuyến, giảm 59% và Vasco gần 6.400 chuyến, giảm 34,6%.

Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines trong 9 tháng qua âm 6.270 tỷ đồng, trái với dòng tiền dương 7.874 tỷ đồng cùng kỳ 2019.

Tại thời điểm ngày 30/9, tổng công ty có 2.618 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm 11,5% so với ngày đầu năm.

Tổng tài sản của Vietnam Airlines tại ngày cuối quý III/2020 là 62.370 tỷ đồng, sụt hơn 14.000 tỷ đồng so với ngày đầu năm 2020. Sự sụt giảm chủ yếu (khoảng 10.000 tỷ đồng) đến từ các khoản mục tài sản ngắn hạn như tiền gửi có kỳ hạn, phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho,… Các loại tài sản dài hạn như phải thu hay tài sản cố định cũng sụt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Vietnam Airlines giảm 3,6% còn 55.760 tỷ đồng. Giá trị nợ ngắn hạn đi ngang ở mức 31.400 tỷ đồng. Tuy nhiên thành phần của nợ ngắn hạn có sự khác biệt rõ rệt.

Tại ngày đầu năm nay, đa phần nợ ngắn hạn là các khoản phải trả người bán (hơn 50%), sau đó là vay và nợ thuê tài chính (21%). Tại ngày cuối quý III, các khoản phải trả người bán chỉ còn chiếm 31% tổng nợ ngắn hạn, còn vay và nợ thuê tăng lên thành 37%, tương đương gần 11.700 tỷ đồng.

Do thua lỗ gần 11.000 tỷ đồng trong ba quý dịch bệnh hoành hành nên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines cũng “lao dốc”, từ hơn 18.600 tỷ đồng còn khoảng 6.600 tỷ đồng.

Tỉ lệ nợ/vốn chủ nhảy vọt từ 3,1 lần ngày đầu năm lên thành 8,4 lần ngày 30/9/2020. Tỷ lệ thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh đều đang ở các mức rất thấp là 0,3 lần và 0,22 lần, cho thấy tổng công ty đang đứng trước rủi ro lớn về thanh khoản.

Trước việc lỗ lớn và khó khăn về thanh khoản, Vietnam Airlines đã đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, gồm khoản vay 4.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng để tăng vốn.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV: Thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 04 dự án luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 7 luật: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Kỳ họp cũng thông qua 13 nghị quyết: Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc; Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cho ý kiến về 04 dự án luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã tham gia ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hoàng Hạ

Tin cũ hơn
Xem thêm