"Siêu" Ủy ban giá hơn 100 tỷ USD muốn chuyển "đại bản doanh"

Cập nhật: 16:46 | 12/04/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này xem xét việc báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới.

sieu uy ban gia hon 100 ty usd muon chuyen dai ban doanh Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
sieu uy ban gia hon 100 ty usd muon chuyen dai ban doanh Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
sieu uy ban gia hon 100 ty usd muon chuyen dai ban doanh Chủ tịch "siêu ủy ban" quản lý vốn chia sẻ cách quản lý khối tài sản trên 2,3 triệu tỷ đồng

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này xem xét việc báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới.

Theo đó, cơ quan này đề xuất bố trí đất tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội với quy mô khoảng 1,5 - 2,5 ha, hình thức đầu tư dự án theo loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).

Cơ quan này cho biết, kể từ khi thành lập năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Bộ Tài chính giao sử dụng địa điểm tại số 8 Khúc Hạo, quận Ba Đình với diện tích đất hơn 1.300 m2. Tuy nhiên, cơ sở nhà đất này là biệt thự cổ đã xuống cấp và đang lập dự án cải tạo nên chưa được sử dụng.

sieu uy ban gia hon 100 ty usd muon chuyen dai ban doanh
Trụ sở làm việc của siêu ủy ban tại phố Bà Huyện Thanh Quan. Ảnh: Lương Bằng

Do nhu cầu cấp bách cần có diện tích cho cán bộ làm việc, Ủy ban đã và đang tạm sử dụng trụ sở của Văn phòng Chính phủ tại số 6 Bà Huyện Thanh Quan, Hà Nội, đồng thời phải xin Thủ tướng cho phép thuê thêm trụ sở.

Đồng thời, mới đây Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cũng đã lên tiếng về việc cơ quan này đang gặp khó về nhân sự cũng như những vướng mắc về thẩm quyền trong quyết định chủ trương đầu tư, đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, sắp xếp lại nhà đất, xác định giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra, giám sát...

"Trừ lãnh đạo Uỷ ban thì có 9 đơn vị, mỗi đơn vị chỉ có 7 - 8 người, có đơn vị có từ 3 - 4 người, lực lượng rất mỏng, đề nghị các doanh nghiệp, các bộ, ngành giới thiệu nhân sự chuyên môn sâu, đáp ứng các yêu cầu về thẩm định dự án đầu tư", ông Hoàng Anh bày tỏ.

Trước đó, hồi 2014, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tập trung tại Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì. Gần đây nhất, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã có đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nói trên với 3 phương án di dời, có tổng chi phí giao tối đa lên tới 17.000 tỷ đồng.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký.

Việc thành lập ủy ban là để tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn. Mục tiêu của Uỷ ban trong thời gian sắp tới là: Đẩy mạnh cổ phần hóa dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, lên sàn chứng khoán, đặc biệt chú trọng việc phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng trong tất cả các hoạt động, các khâu của cổ phần hóa. Ngoài ra cần hạn chế tối đa những tiêu cực trong DNNN, giảm chi phí bất hợp lý, xảy ra do các tình trạng "sân sau", "cha chung không ai khóc".

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban

- Đề xuất Chính phủ việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ủy ban.

- Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với công chức, viên chức, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

- Lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn 05 năm, 03 năm của Ủy ban để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế tài chính, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách của Ủy ban trong lĩnh vực được giao. Thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao quản trị doanh nghiệp hiện đại tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

- Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền đầu tư của Ủy ban theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công, giao nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật về cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngày 30/09/2018, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước chính thức ra mắt. 19 tập đoàn, tổng công ty đã được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về "siêu ủy ban" với tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng (khoảng 100 tỷ USD).

19 DNNN đều hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như điện, xăng, dầu, than, lương thực, viễn thông,...

Hữu Dũng