CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa thông báo tạm dừng nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho Tân Việt đối với kênh bán trái phiếu trực tiếp. Lý do TVSI đưa ra là do tình hình diễn biến không thuận lợi trên thị trường chứng khoán và những thông tin không tích cực về trái phiếu doanh nghiệp.

Chứng khoán Tân Việt được thành lập từ năm 2016. Hiện công ty có vốn điều lệ 2.639 tỷ đồng. TVSI hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính, đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.

Ngoài việc tạm dừng nhận chuyển nhượng trái phiếu, trước đó TVSI còn quyết định tạm ngừng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.

Vì đâu TVSI lại tạm ngừng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán vốn là "miếng mồi ngon" trong hoạt động kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán? Đọc kỹ báo cáo tài chính mới thấy, 2 hạng mục mà công ty đang phải dừng lại có khá nhiều điểm đáng chú ý. 

Năm 2021: Tăng vốn, tập trung vào ứng trước tiền bán chứng khoán và trái phiếu

Năm 2021 Chứng khoán Tân Việt tiến hành tăng vốn “khủng” từ 1.080 tỷ đồng lên 2.639 tỷ đồng như hiện nay bằng cách phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Sau đợt phát hành này, TVSI thành công tăng vốn điều lệ thêm 144%.

Hoạt động kinh doanh năm 2021 của TVSI cũng để lại nhiều dấu ấn hơn sau tăng vốn. Doanh thu hoạt động cả năm đạt 3.359 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 151% lên 588 tỷ đồng.

Tổng giá trị giao dịch trong năm 2021 đạt gần 717 nghìn tỷ đồng, tăng 134% so với năm 2020, trong đó giá trị giao dịch của công ty chứng khoán đạt 211 nghìn tỷ đồng và các nhà đầu tư gần 506 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong tổng số 211 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch của công ty chứng khoán, tập trung hết vào giao dịch trái phiếu. Còn đối với các nhà đầu tư thực hiện qua TVSI, giao dịch cổ phiếu đạt 324 nghìn tỷ đồng và trái phiếu 181 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh tập trung vào giao dịch trái phiếu vẫn tiếp diễn trong năm 2022. Báo cáo ghi nhận tổng giá trị giao dịch trong nửa đầu năm 2022 đạt 375 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch của công ty chứng khoán 125 nghìn tỷ đồng và của các nhà đầu tư là 250 nghìn tỷ đồng.

screen-shot-2022-10-12-at-08.29.14.png
Giá trị giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2022

BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, TVSI tập trung đầu tư lớn vào trái phiếu. Tổng giá trị gốc tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) hơn 2.252 tỷ đồng (tăng 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Trong đó giá trị đổ vào đầu tư cổ phiếu chỉ hơn 210 tỷ đồng, còn lại chủ yếu tập trung vào thị trường trái phiếu với gần 1.900 tỷ đồng.

screen-shot-2022-10-12-at-08.38.30.png
(Chi tiết các khoản đầu tư tài chính FVTPL của TVSI đến 30/6/2022)

Danh sách các trái phiếu TVSI đầu tư không được liệt kê, nhưng chủ yếu là mang tiền đi đầu tư trái phiếu chưa niêm yết (1.871 tỷ đồng). Số đầu tư vào trái phiếu niêm yết rất nhỏ, chỉ 21 tỷ đồng.

Đối với hoạt động cho vay ký quỹ, tổng giá trị các khoản cho vay của TVSI đến 30/6/2022 hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó cho vay margin 2.370 tỷ đồng và cho vay hoạt động ứng trước 1.272 tỷ đồng.

TVSI là một trong số ít các công ty chứng khoán có tỷ trọng các khoản vay đối với hoạt động cho vay ứng trước cao so với cho vay margin. Do vậy việc TVSI dừng các dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.

screen-shot-2022-10-12-at-08.43.43.png
(Tống giá trị các khoản cho vay của TVSI đến 30/6/2022)

Một điểm đáng lưu ý, hoạt động cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán của TVSI tăng đột biến trong giai đoạn nửa đầu năm 2022. Trước đó các năm 2020 và 2021 tỷ trọng giá trị các khoản cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán cũng rất thấp trong tổng giá trị các khoản cho vay. Điển hình như năm 2021, tổng dư nợ các khoản cho vay đến 31/12/2021 đạt hơn 4.500 tỷ đồng, trong đó cho vay margin hơn 4.400 tỷ đồng và cho vay hoạt động ứng trước chỉ 128 tỷ đồng. Năm 2020 cũng ghi nhận tổng cho vay đến cuối năm đạt hơn 2.500 tỷ đồng trong đó cho vay margin đã hơn 2.400 tỷ đồng.

Việc cho vay ứng trước tiền bán vốn dĩ lợi ích lớn nhất mang lại cho người sử dụng là tăng vòng quay vốn, sử dụng nguồn vốn của công ty chứng khoán để bù đắp cho tiền đã bán chứng khoán nhưng chưa về tài khoản của nhà đầu tư. 

screen-shot-2022-10-12-at-08.46.38.png
(Các khoản cho vay của TVSI đến 31/12/2021)

TVSI đang có tổng nợ vay trái phiếu đến 840 tỷ đồng

Về nguồn vốn kinh doanh, TVSI không chú trọng đi vay ngân hàng, mà tập trung huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu phát hành còn lại đến 30/6/2022 là 840 tỷ đồng, giảm 40 tỷ đồng so với đầu năm. Mục đích phát hành trái phiếu của TVSI nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và sử dụng cho các dịch vụ được cấp phép.

Trong số các trái phiếu phát hành của TVSI, có 2 lô trái phiếu có thời gian đáo hạn trong năm 2023:

  • - Lô trái phiếu 210 tỷ đồng – là trái phiếu không chuyển đổi, phát hành vào tháng 9/2018 và đáo hạn vào 26/9/2023.
  • - Lô trái phiếu 30 tỷ đồng – là trái phiếu không chuyển đổi, phát hành tháng 12/2018 và đáo hạn vào 10/12/2023.
  • - Số còn lại 600 tỷ đồng đều có thời gian đáo hạn lâu dài. Trong đó 400 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2020 có thời gian đáo hạn đến năm 2030 và 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2021 có thời gian đáo hạn vào tháng 8/2026.

Bất ngờ: TVSI đang thua lỗ vì...đầu tư trái phiếu

Sở dĩ việc đầu tư trái phiếu thua lỗ gây bất ngờ là bởi, khi tham gia mua trái phiếu, đa phần sẽ chờ đến đáo hạn và "ăn" lãi suất cuống phiếu (coupon). Tức, đa phần trái phiếu sẽ lãi chứ rất hiếm trường hợp lỗ trừ khi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu "có vấn đề".

Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy nếu chỉ tính mua/bán trái phiếu thì hoạt động đầu tư trái phiếu của TVSI cũng đang thua lỗ với khoản lỗ bán các khoản đầu tư trong kỳ hơn 59 tỷ đồng. Con số cụ thể, TVSI lãi từ bán trái phiếu chưa niêm yết gần 360 tỷ đồng nhưng lại ghi lỗ hơn 420 tỷ đồng từ hoạt động này.

Tuy vậy công ty vẫn nhận về hơn 483 tỷ đồng từ cổ tức, tiền lãi trái phiếu 483 tỷ đồng, nên nhìn chung hoạt động tự doanh tài sản tài chính FVTPL vẫn lãi 424 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

screen-shot-2022-10-12-at-09.02.50.png

Thay cho lời kết

TVSI vừa có biến động mạnh, Chủ tịch HĐQT qua đời, Tân Chủ tịch lên thay. Cùng với đó là những biến cố lớn trên thị trường liên quan đến các hoạt động trái phiếu khiến hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng lớn.

Câu hỏi tại sao TVSI lại dừng các hoạt động ứng tiền bán chứng khoán và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp dường như đã có lời giải đáp. Báo cáo cho biết 6 tháng đầu năm 2022 TVSI bất ngờ gia tăng việc cho các nhà đầu tư ứng trước tiền bán chứng khoán. Đồng thời hoạt động kinh doanh của công ty tập trung mạnh vào các giao dịch chứng khoán là 2 trong số những nguyên nhân chính.

TVSI chia sẻ với vai trò đại lý đăng lưu ký, đại lý thanh toán, đại diện người sở hữu trái phiếu, công ty đang làm việc với các tổ chức phát hành, lên phương án bảo đảm thanh toán coupon và gốc cho nhà đầu tư trước ngày đáo hạn hoặc tại ngày đến hạn của lô trái phiếu. Các tổ chức phát hành đều bảo đảm thanh toán coupon và gốc, đồng thời lên phương án để đáp ứng nhu cầu bán trước ngày đáo hạn.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI): Tạm ngừng nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp