![]() |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro khó lường, việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 là một thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực phục hồi và bứt phá. Đây không chỉ là một con số mang tính biểu tượng, mà còn là thước đo cho kỳ vọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia tăng vai trò của khu vực tư nhân và huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính.
Diễn biến thuận lợi của các biến số kinh tế như lãi suất, tín dụng và lạm phát đang góp phần cải thiện tâm lý thị trường, trong khi kỳ vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi tiếp tục là lực đẩy quan trọng đối với dòng tiền trong nước và quốc tế.
Nhằm đánh giá triển vọng thực tế của mục tiêu tăng trưởng, các ảnh hưởng vĩ mô kéo theo và khả năng phân hóa giữa các nhóm ngành, chúng tôi đã trao đổi cùng ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Với kinh nghiệm phân tích dày dạn và góc nhìn chiến lược, ông Trần Đức Anh mang đến những nhận định sắc bén về triển vọng kinh tế 2025, cũng như gợi ý định hướng phân bổ danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường nhiều cơ hội song hành với không ít biến động.
![]() |
PV: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và chủ trương có thể hy sinh lạm phát. Ông đánh giá tính khả thi của kế hoạch này ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trần Đức Anh: Từ đầu năm đến nay, mọi người có lẽ thường xuyên nghe đến thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc Việt Nam phải vươn tầm, vươn mình và đặt ra tăng trưởng GDP trong năm 2025 là 8%, các năm tiếp theo còn tăng trưởng cao hơn nữa. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ phải áp dụng triệt để việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
![]() |
Chính sách tiền tệ ở đây là Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 16% trong năm 2025. Thời gian gần đây một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, ngay lập tức Thủ tướng Chính phủ đã ra yêu cầu phải kiểm soát quyết liệt không để mặt bằng lãi suất huy động tăng. Rõ ràng từ góc độ điều hành, Chính phủ đang rất cố gắng kìm chế lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc có giữ được lãi suất thấp hay không còn phải phụ thuộc vào những yếu tố khác, vì nhiệm vụ đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước hay các Ngân hàng Trung ương trên thế giới là ổn định vĩ mô và đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, sau đó mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu không ổn định được vĩ mô thì Việt Nam phải thắt chặt chính sách tiền tệ để có thể đảm bảo được lạm phát và tỷ giá.
Đối với vấn đề lạm phát, trong năm 2025, Chính Phủ đã nâng mục tiêu lạm phát lên không quá 5%, trước kia là mức 4,5%, để có thêm không gian dư địa điều hành chính sách tiền tệ. Cá nhân tôi cho rằng việc kiểm soát lạm phát dưới 5% là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực tế, trong 2-3 năm trở lại đây, sức cầu nội địa và tiêu dùng của Việt Nam còn yếu, dẫn đến lạm phát chỉ từ 3-4%. Trong bối cảnh giá dầu trên thế giới đang giảm khá mạnh, chiến tranh giữa Nga - Ukraine cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt và có thể tiến tới chấm dứt, giúp cho lương thực - thực phẩm cung ứng ra thị trường. Những yếu tố này củng cố niềm tin vào mục tiêu lạm phát 5% và nó sẽ không phải là rào cản đối với chính sách tiền tệ.
![]() |
Vấn đề tỷ giá có lẽ sẽ nhức nhối hơn một chút, quan sát 2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải áp dụng các chính sách tỷ giá, khiến mặt bằng lãi suất tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Điển hình giai đoạn năm 2022, khi tỷ giá tăng khoảng 6-7% và kết hợp với một số yếu tố như Ngân hàng SCB hay lạm phát ở bên ngoài đã khiến Ngân hàng Nhà nước áp dụng triệt để các chính sách ổn định vĩ mô, dẫn đến lãi suất của các ngân hàng tăng vọt, từ đó khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc rất mạnh trong năm 2022. Điều này cũng xảy ra ở một số thời điểm trong năm 2024.
Từ góc nhìn của tôi, trong năm 2025, tỷ giá sẽ không phải một vấn đề quá đáng lo ngại bởi vì Việt Nam vẫn đang có một số lợi thế đến từ nguồn cung ngoại tệ thông qua FDI, xuất siêu và kiều hối hỗ trợ trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, xu hướng của đồng DXY - đại diện cho sức mạnh của chỉ số USD khả năng sẽ có xu hướng hạ nhiệt, hoặc cùng lắm chỉ tăng nhẹ, không lặp lại mức tăng mạnh 7-10% trong năm 2024. Từ những cơ sở trên, tôi cho rằng tỷ giá sẽ chỉ tăng khoảng 2% trong năm 2025 và vẫn nằm dưới mức mà Nhà nước phải can thiệp để ổn định tỷ giá.
![]() |
Tóm lại, bối cảnh vĩ mô trong năm 2025 của Việt Nam tương đối ổn định. Với quyết tâm tăng trưởng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, người dân có cơ sở để tin rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
![]() |
Khi lạm phát tăng, người dân sẽ có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Ông dự đoán xu hướng dịch chuyển dòng tiền năm 2025 sẽ ra sao?
Chính phủ đã có định hướng nới lạm phát từ 4,5% lên 5%, tuy nhiên chưa chắc đã cần sử dụng đến không gian này. Với những yếu tố của năm 2025, tôi nghĩ lạm phát sẽ chỉ ở dưới mức 4,5%, đây không phải là mức có thể tác động lớn đến hành vi của nhà đầu tư. Còn trong trường hợp lạm phát tăng cao, kênh đầu tư nhà đầu tư có thể hướng đến nhằm đảm bảo tài sản, giữ được trong môi trường lạm phát gồm có vàng, cổ phiếu, hoặc bất động sản… tùy thuộc vào 1 số yếu tố vĩ mô khác.
Với trường hợp lạm phát tăng cao và vượt mức 5%, khi ấy Ngân hàng Nhà nước đầu tiên phải đảm bảo được tính ổn định của kinh tế vĩ mô và lạm phát. Chính sách đầu tiên là phải nâng lãi suất lên, mặc dù đi ngược với chủ trương nhưng chúng ta phải hiểu các ngân hàng hay quốc gia trên thế giới đều như vậy, phải ổn định vĩ mô rồi mới tăng trưởng kinh tế. Khi ấy sẽ có rất nhiều ngành bị ảnh hưởng tiêu cực như ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và hàng tiêu dùng. Nhìn chung, toàn nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, nhiều khả năng ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực chủ chốt. Theo ông, những nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi này?
Đối với câu chuyện tăng trưởng tín dụng 16% thì sẽ có 2 nhóm ngành được hưởng lợi rõ nhất. Thứ nhất là ngành ngân hàng, bởi vì đây là lĩnh vực kinh doanh tiền, khi họ gia tăng được % tín dụng thì kết quả kinh doanh của các nhà băng sẽ được cải thiện. Thứ hai là nhóm bất động sản, đây là ngành thâm dụng vốn rất nhiều. Trong môi trường lãi suất thấp thì nhóm này sẽ rất được hưởng lợi.
![]() |
Ngoài ra, một số ngành được coi là mũi nhọn tăng trưởng trong năm 2025 như xuất khẩu, đầu tư công cũng được kỳ vọng tích cực. Bên cạnh đó, nhóm ngành chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi khi mà nguồn cung tiền tăng mạnh và một phần sẽ chảy về thị trường chứng khoán.
![]() |
PV: Sau Tết, VN-Index tăng khoảng 80 điểm với thanh khoản cải thiện. Ông đánh giá thế nào về việc dòng tiền trở lại thị trường?
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng 3 tháng đầu năm tăng trưởng rất mạnh kể cả chỉ số lẫn giá trị giao dịch. Đồng thời tâm lý của nhà đầu tư cũng được cởi bỏ sau một khoảng thời gian dài VN-Index dùng dằng ở ngưỡng 1.300 điểm. Diễn biến này cũng phù hợp với những thay đổi của nội tại cơ bản của Việt Nam.
Từ góc nhìn kinh tế, Việt Nam đang có nền lãi suất thấp, thứ hai là năm 2024 khá thành công xét trên câu chuyện tăng trưởng vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Bước sang năm 2025, Việt Nam còn có những mục tiêu cao hơn nữa, Chính phủ ngay từ đầu năm đã đưa ra hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa, chính sách tháo gỡ khó khăn hay kích cầu,... Trong môi trường kinh tế tích cực như vậy, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng về giá, về điểm số, về khối lượng hay về tâm lý của nhà đầu tư hoàn toàn phù hợp.
PV: Nhiều công ty chứng khoán dự báo VN-Index có thể đạt mức 1.400-1.500 điểm sau quý II/2025, ông đánh giá nhận định này như thế nào?
Dựa trên các yếu tố như P/E, EPS của thị trường và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo tôi, VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.460 điểm, tăng khoảng gần 10% so với mức giá hiện tại. Đây cũng là ngưỡng tương đối đồng thuận với các công ty chứng khoán ở trên thị trường. Đa số các CTCK đều dự báo ở mức từ 1.400 đến 1.500 điểm.
![]() |
Dĩ nhiên thị trường vẫn còn chứa những yếu tố rủi ro không lường trước được, ví dụ là sự ảnh hưởng của thuế quan khi ông Trump đánh thuế lên các hàng hóa của Việt Nam, hay rủi ro liên quan đến sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ, hoặc lạm phát ở Mỹ và toàn cầu tăng mạnh, dẫn đến ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại đây mới chỉ là những yếu tố rủi ro, chưa phải là yếu tố có xác suất xảy ra cao.
PV: Tích cực là vậy, tuy nhiên theo ông đâu là yếu tố rủi ro đáng chú ý nhất cho năm 2025?
Mặc dù các yếu tố nội tại trong nước đang ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường chứng khoán như tôi đề cập ở trên, tuy nhiên, bối cảnh bất định của môi trường bên ngoài lại tiềm ẩn nhiều yếu tố thiên nga đen (các yếu tố rủi ro đến bất ngờ và khó dự đoán). Tiêu biểu trong số đấy liên quan đến chính sách thuế quan của ông Trump với các đối tác thương mại.
Trong kịch bản chính quyền của ông Trump “hướng mũi rìu” và đánh thuế trực tiếp vào hàng hoá Việt Nam với mức thuế cao, các dự báo về tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, cũng như tiềm năng của thị trường chứng khoán có thể cần đánh giá lại. Mức độ ảnh hưởng sẽ tuỳ thuộc và chính sách thuế cụ thể, bao phủ bao nhiêu phần trăm hàng hoá Việt Nam vào Mỹ với mức thuế bình quân là bao nhiêu. Ngoài ra, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, Trung Quốc, lạm phát Mỹ nóng trở lại do chính sách thuế của ông Trump, hay các xung đột địa chính trị toàn cầu leo thang cũng là các yếu tố cần theo dõi.
PV: Với bối cảnh hiện tại, theo ông, nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm ngành, cổ phiếu nào?
Chúng ta hay nghe câu “thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế”. Tức là khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thì doanh nghiệp thường tăng trưởng kết quả kinh doanh, từ đấy phản ánh vào giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán. Mặc dù mức tăng trưởng GDP 8% năm 2025 khá tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được trong năm nay.
![]() |
Nếu nhìn xuyên suốt từ giai đoạn 2015-2024 thì mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân (EPS) của VN-Index là 26%/năm, đây rõ ràng là một mức tăng trưởng rất cao. Dự phóng trong năm 2025, tôi cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục tăng trưởng 15%. Trong đó, dẫn đầu là nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với mức tăng 38% và hàng tiêu dùng không thiết yếu 23,4%. Nhóm công nghiệp và tài chính ghi nhận mức tăng lần lượt 11% và 13%, dù yếu hơn một chút nhưng về cơ bản vẫn tương đối tích cực.
Về chủ đề đầu tư, tôi sẽ chia ra làm 3 nhóm chính là Chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Nâng hạng thị trường và Trump 2.0.
Đầu tiên, liên quan đến chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các nhóm ngành được hưởng lợi bao gồm ngân hàng, đầu tư công và bất động sản. Cụ thể, nhóm ngân hàng sẽ hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngân hàng. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công lên đến 875 nghìn tỷ đồng nhằm đạt mục tiêu hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đặt ra. Cuối cùng là nhóm bất động sản nhờ các chính sách kích cầu, khơi thông dòng vốn, tháo gỡ pháp lý cho các doanh nghiệp địa ốc.
![]() |
Thứ hai, nếu câu chuyện nâng hạng thị trường thực sự diễn ra, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay trở lại, giao dịch thị trường sôi động sẽ giúp gia tăng nguồn thu cho ngành chứng khoán. Bên cạnh đó, các cổ phiếu được vào rổ FTSE mới nổi sẽ được hưởng lợi do được các quỹ ETF mua trực tiếp.
Câu chuyện sau cùng là chính sách của ông Trump, trong trường hợp Việt Nam không bị đánh thuế trực tiếp, các nhóm ngành như công nghệ, khu công nghiệp và xuất khẩu sẽ được hưởng lợi.
PV: Cuối cùng, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư về chiến lược phân bổ danh mục đầu tư?
Năm 2025 có những rủi ro nhất định, nhưng khi nhìn vào những yếu tố nội tại của Việt Nam, về tăng trưởng kinh tế, lãi suất hay lợi nhuận của doanh nghiệp thì tương đối tích cực, với mức tăng của VN-Index từ 10-15% trong kịch bản trung bình.
Với những yếu tố trên, tôi cho rằng nhà đầu tư trong năm 2025 cần có một tâm thế chủ động hơn. Bởi vì thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2024 bị kẹt ở dưới ngưỡng 1.300 điểm và nén một thời gian khá dài, đây có thể là thời điểm mà VN-Index có thể chính thức vượt xa khỏi ngưỡng này khi mà có rất nhiều yếu tố hội tụ. Đầu tiên là câu chuyện liên quan đến nâng hạng thị trường, sau đấy là mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và mùa ĐHĐCĐ thường niên 2025 sắp diễn ra, nhiều doanh nghiệp sẽ công bố kế hoạch tăng trưởng năm nay rất tích cực.
Nhìn chung, năm 2025 nhà đầu tư nên tấn công hơn một chút, duy trì tỷ trọng cao, nhưng tập trung vào những nhóm doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng tốt và hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô, thay vì hướng đến những cổ phiếu giá rẻ hay cổ phiếu chưa tăng thì có thể sẽ mang nhiều những rủi ro.
Xin chân thành cảm ơn ông!