Nhiều cửa hàng đồng loạt ngừng bán

Ngày 22/9, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - xác nhận đã có văn bản số 2590/SCT-QLTM trình Bộ Công Thương xem xét kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Trước đó, Sở Công Thương đã tiếp nhận văn bản đồng kiến nghị của 13 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiến nghị giải quyết nhiều bất cập trong thực trạng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã cùng nhau kiến nghị về tình hình kinh doanh, chính sách chưa hợp lý và cho rằng không thể tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu không có gì thay đổi và tiếp tục lỗ chồng lỗ.

Các doanh nghiệp này phản ánh, đã hơn 8 tháng nay, các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp đều gặp phải tình trạng kinh doanh thua lỗ do giá bán lẻ tại cửa hàng thấp hơn giá mua và chi phí vận chuyển. Trung bình các doanh nghiệp lỗ từ 15 - 80 triệu đồng/tháng, tùy vào lượng hàng bán ra nhiều hay ít.

Để duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân, doanh nghiệp vẫn phải trang trải chi phí lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, chi phí điện, nước, khấu hao sửa chữa… Như vậy, ngoài lỗ chi phí kinh doanh, doanh nghiệp còn lỗ thêm chi phí vận hành, tiền lương.

Theo quy định, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu... Quy định trên khiến cho doanh nghiệp không có quyền được lựa chọn giá tốt từ nhiều nhà cung cấp để mua. Chưa kể, khi thương nhân cung cấp hết hàng, doanh nghiệp cũng không thể mua từ nhà cung cấp khác, dẫn đến tình trạng bị thiếu hàng cục bộ.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, thậm chí là 0 đồng, hoặc nếu có cũng chỉ từ 70 - 200 đồng nên không có lãi. Đồng thời, nguồn cung cũng bị hạn chế, không thể lấy thêm dư lượng hàng như trước.

Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp cùng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét thay đổi chính sách điều hành giá bán lẻ xăng dầu nhằm đảm bảo giá bán lẻ bán ra phải đủ để doanh nghiệp bù đắp những chi phí cần thiết nhằm duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu.

Các doanh nghiệp kiến nghị cũng đưa ra ý kiến, trong trường hợp sau ngày 25/11 nếu vẫn không được xem xét và có những thay đổi phù hợp, thì cả 13 doanh nghiệp đều đóng cửa các cửa hàng bán lẻ do không thể gánh thêm chi phí.

Bộ Công Thương 4 lần đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi chiết khẩu

Trước nguy cơ đứt nguồn cung ứng xăng dầu lan rộng, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã nêu ra một số giải pháp để gỡ khó cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp như cần sớm sửa chi phí định mức tính trong kinh doanh xăng dầu, quy định về chiết khấu…

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, cơ chế tính chi phí định mức với kinh doanh xăng dầu đã áp dụng từ năm 2014 đến nay là một trong những nguyên nhân khiến thị trường rơi vào tình trạng "như gà mắc tóc" kéo dài gần tháng qua.

Theo đó, Bộ Công Thương đã 4 lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, từ tháng 2/2022, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Bên cạnh đó, cần rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp, nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.

“Đến tháng 7, rồi tháng 8, Bộ Công Thương đã tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức tính giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, các chi phí trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu cũng như điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu nhưng không được hồi âm”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

DN bán lẻ xăng dầu lại kêu 'không trụ nổi' vì lỗ nặng