Cầu ''hao hụt" - Sao Ta khó tăng trưởng mạnh trong thời gian tới

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sức cầu yếu sẽ kéo doanh thu của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), thành viên của Tập đoàn PAN giảm trong những tháng cuối năm. Tình trạng này có thể kéo dài đến 6 tháng đầu 2023 trước khi phục hồi dần trong nửa cuối 2023 khi nhu cầu tăng trở lại.

VDSC dự phóng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của FMC giảm 13% so với cùng kỳ, khoảng 91 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu, lợi nhuận ròng có thể đạt lần lượt 6.059 tỷ đồng (tăng 17% YoY) và 323 tỷ đồng (tăng 21% YoY).

anh-chup-man-hinh-2022-11-26-luc-093629-20221126093751465-20221126143450911.jpg
Doanh thu của FMC (Đơn vị: triệu USD

VDSD nhận định sang năm 2023, kết quả kinh doanh của Sao Ta có thể chỉ tăng trưởng một con số trước áp lực từ phía cầu. Cụ thể, nhu cầu các thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại khi nền kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đồng nội tệ của EU, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua tại các thị trường trọng điểm.

Tuy nhiên , đơn vị phân tích cũng cho rằng, xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể chậm lại nhưng khó có thể giảm mạnh do nhu cầu đối với tôm chế biến ở nước ta khá ổn định. Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam có thể tiêu thụ chậm nhưng khó bị các sản phẩm tôm khác thay thế.

anh-chup-man-hinh-2022-11-26-luc-093900-20221126093940934-20221126143632950.jpg

Theo đó VDSC dự phóng năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của FMC lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2022) và 356 tỷ đồng (tăng 10% YoY).

Phân tích trên dựa trên kỳ vọng của VDSC với sản lượng xuất khẩu tôm của Sao Ta sẽ tăng 7% trong năm 2023, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu của công ty là 20% do những tác động tiêu cực.

Sự gia tăng sản lượng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng khách hàng đầu ra cho nhà máy mới mà VDSC dự báo sẽ chỉ hoạt động với 20% công suất trong năm 2023. Sao Ta có thể tăng đơn đặt hàng từ khách hàng mới như Costco ở Mỹ, và tăng đơn đặt hàng từ khách hàng Nhật Bản như Kyokuyo.

Tác động của chi phí và giá bán đến kết quả kinh doanh của FMC

Theo VDSC, giá bán tôm có khả năng sẽ giảm trong năm 2023 nhưng ít tác động đến biên lợi nhuận ròng. Khả năng cao, giá bán trung bình của Sao Ta sẽ giảm 6% so với năm trước do chi phí logistics hạ nhiệt và giá nguyên vật liệu giảm.

Trong giai đoạn 2021-2022, giá bán bình quân tăng trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu, nhưng chi phí bán hàng cũng tăng tương ứng do chi phí vận tải tăng cao. Do đó, việc tăng giá bán có rất ít tác động thực sự đến lợi nhuận trong giai đoạn này.

Khả năng cao giá bán giảm trong năm 2023 nhưng kỳ vọng giá nguyên liệu sẽ giảm cùng thời điểm, một phần do tỷ lệ nguyên liệu tự cung cấp tăng, giúp biên lợi nhuận gộp mảng tôm cải thiện 30 điểm cơ bản lên 10,5%.

Đồng thời, VDSC kỳ vọng chi phí bán hàng, doanh thu có thể sẽ giảm 30 điểm cơ bản do giá cước vận tải giảm và ỷ suất lợi nhuận ròng sẽ tăng 28 điểm cơ bản lên 5,7% vào năm 2023.

“Những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới đối với ngành tôm và Sao Ta năm 2023 chỉ là tạm thời, phản ánh vào việc chậm tiến độ hoạt động công suất nhà máy mới và lợi nhuận chỉ tăng nhẹ. Khi vượt qua các khó khăn, chúng tôi mong đợi từ năm 2024 trở đi, các nguồn lực nội tại của công ty sẽ sẵn sàng cho một sự tăng trưởng vượt bậc.

Một khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi và nhu cầu tôm tăng trở lại, chúng tôi kỳ vọng FMC sẽ tăng công suất nhanh chóng và tìm kiếm khách hàng đầu ra với sự giúp đỡ của Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam, đặc biệt đó cũng là thời điểm những lợi thế của EVFTA phát huy hết hiệu quả”, VDSC nhận định.

Đồng thời, VDSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sao Ta sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR lần lượt là 9% và 15% trong giai đoạn FY2021 - 2026F.