Tài sản số – lớp tài sản mới trên nền tảng công nghệ blockchain

Tại chương trình “Café Cùng Chứng” do Chứng khoán SSI tổ chức sáng 17/7, ông Lê Bảo Nguyên – Phó Tổng giám đốc CTCP Công nghệ số SSI (SSID) – nhận định Việt Nam đang đứng trước một cơ hội chiến lược để trở thành trung tâm tài sản số của khu vực, nhờ sự kết hợp giữa hạ tầng công nghệ, tốc độ chuyển đổi số nhanh và một khung pháp lý đang dần hình thành.

Theo ông Nguyên, tài sản số là lớp tài sản được xây dựng trên nền tảng blockchain, nơi giao dịch được xác thực theo mô hình ngang hàng (peer-to-peer), giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính minh bạch. Bitcoin là ví dụ điển hình nhất, nhưng các tài sản số có phạm vi rất rộng – từ tên miền, dữ liệu cá nhân đến tài sản mã hoá có thể giao dịch.

Khác với thị trường chứng khoán truyền thống phải xây dựng từ con số 0, thị trường tài sản số đã có sẵn quy mô toàn cầu, hoạt động liên tục 24/7, thanh khoản cao và tốc độ phát triển vượt trội. “Dù số lượng tài sản số còn khiêm tốn, nhưng quy mô và thanh khoản hiện tại đã gấp nhiều lần thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Nguyên cho biết.

Năm 2025 đánh dấu bước tiến lớn về mặt thể chế cho tài sản số tại Việt Nam. Luật Công nghiệp Công nghệ số được ban hành từ tháng 6/2025 đã chính thức công nhận tài sản số là một loại tài sản, dù đến 1/1/2026 mới có hiệu lực. Cùng với đó là Dự thảo thí điểm thị trường tài sản mã hoá, Chiến lược Blockchain Quốc gia (tháng 10/2024) và các chính sách phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng.

“Tất cả yếu tố này tạo ra không khí rất tích cực. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi kênh tài sản mới. Dù không còn quá mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có hành lang pháp lý rõ ràng, mở đường cho sự tham gia chính thức của các nhà đầu tư”, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu – Chuyên gia chiến lược đầu tư SSI Research – chia sẻ tại sự kiện.

Theo ông Nguyên, lợi thế của Việt Nam không nằm ở việc trở thành trung tâm dịch vụ tài chính như Singapore, mà là ở khả năng sở hữu và làm chủ công nghệ lõi. “Chúng ta có hàng trăm nghìn nhà phát triển blockchain, có năng lực triển khai và sáng tạo, đây là điều kiện đặc biệt để bứt phá”, ông nhận định.

Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm tài sản số của khu vực
Ông Lê Bảo Nguyên, Giám đốc dự án kiêm trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc SSID (bên trái). (Ảnh chụp màn hình)

SSID tiên phong xây dựng hệ sinh thái tài sản số

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong, SSID đã đầu tư mạnh vào thị trường tài sản số từ sớm. Tháng 1/2025, công ty khởi công khu vườn ươm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời triển khai một quỹ đầu tư 200 triệu USD cùng đối tác nước ngoài để hỗ trợ các startup trong lĩnh vực blockchain, tài sản số và AI.

“SSID đã rất sẵn sàng cho một thị trường mới, một lớp tài sản mới của thế giới – đó là tài sản số”, ông Nguyên nói. “Chúng tôi không chỉ đầu tư, mà còn chủ động xây dựng hệ sinh thái blockchain trong suốt hai năm qua, và đang chờ ‘gió Đông’ – tức những chuyển động chính sách để bùng nổ”.

SSID cũng bày tỏ sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan quản lý trong quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng một thị trường tài sản số minh bạch, hợp pháp và phát triển bền vững.

Theo các báo cáo quốc tế, Việt Nam liên tục nằm trong top 5 toàn cầu về tỷ lệ người dùng mới tham gia thị trường crypto trong 4 năm gần đây. Đây là chỉ dấu rõ ràng cho thấy nhu cầu, sự quan tâm và tốc độ tiếp cận của người Việt với thị trường này đang ở mức rất cao.

“Mọi thứ đang được đẩy lên cao trào. Các sàn giao dịch lớn quốc tế đánh giá Việt Nam là thị trường chiến lược. Tôi tin nếu chúng ta đi đúng hướng, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài sản số của khu vực”, ông Nguyên nhấn mạnh.