VN-Index khó tạo đáy trong tháng 11, cổ phiếu có thật sự rẻ?

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền “khi mà các thứ, rẻ là một chuyện nhưng mà nó có đáng giá đó hay không là chuyện khác, do đó, nhiều khi nhìn cái giá trị thực tế kiểu như số tiền."

Ví dụ bây giờ mọi người cứ hay nghĩ rằng là dưới 10.000 đồng là rẻ chẳng hạn. Nhưng mà tôi nghĩ rằng là nó có đáng cho mình hay không. Các cổ phiếu mà người ta vẫn có triển vọng hồi, giá giảm do bán tháo hoặc vì những cái lý do mà không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, vẫn là được. Cái chính là mình nghĩ là nó có đáng đầu tư hay không còn giá thực tế có thể là con số rất thấp, nhưng mà không có nghĩa là đồ rẻ, đồ ế và đồ chất lượng kém cả”.

Với diễn biến kém sắc của chứng khoán Việt Nam trong thời điểm hiện tại, câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm đó là khi nào thị trường tạo đáy và dấu hiệu là vì.

Trong báo cáo tháng 11 của SSI Research, người dịch đặt tên là đường hầm có vẻ dài hơn Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng xác suất thị trường có thể tạo đáy ngay trong tháng 11 tương đối khó. Bởi vì ngắn hạn có thể được nhưng trong dài hạn cần phải có các yếu tố vĩ mô ổn định một cách tốt hơn, nhất là thị trường, doanh nghiệp và thanh khoản.

Lý giải về hiện tượng dòng tiền đổ mạnh vào một số quỹ như Fubon FTSE Vietnam ETF, SSIAM VNFin Lead ETF, DCVFM VN Diamond ETF… ông Phạm Lưu Hưng nêu quan điểm, khi mà giá cổ phiếu xuống, cũng giống với nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư tổ chức cũng tìm thấy mức giá tương đối hợp lý, có thể nói nôm na là họ cũng tham gia “bắt đáy”.

“Tôi nói thêm là giống hồi nhỏ có bài hát một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, nói chung là chúng ta phải cần khá là nhiều cánh én về chúng ta mới thấy mùa xuân ấm dần được. Cho nên câu chuyện là một quỹ, hai quỹ mua vào cũng cái điểm tốt. Nhưng mà tôi nghĩ rằng là cần có nhiều niềm tin hơn.

Theo Kinh tế trưởng SSI, để có nhiều niềm tin hơn trong thị trường cần phải có những diễn biến mới về vĩ mô cũng như về mặt thanh khoản thị trường để niềm tin quay trở lại một cách vững vàng.

Về nguyên nhân suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này, ông Hưng cho rằng chủ yếu đến từ việc tăng lãi suất. Lãi suất luôn là kẻ thù của chứng khoán.

Bên cạnh đó, các rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp tạo ra các vấn đề liên quan đến thanh khoản của thị trường tài chính. Khi có chuyện gì xảy ra ở thị trường tài chính sẽ ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu và thị trường khác. Hiện tượng bán giải chấp hàng loạt cổ phiếu là một ví dụ trong số đó. Gần đây loạt lãnh dạo và cổ đông các doanh nghiệp như PDR, LDG, DIG đã bị call margin.

Đồng thời thị trường đi xuống do bị ảnh hưởng không nhỏ từ kết quả kinh doanh bởi vì các doanh nghiệp qua mùa kinh doanh năm 2021 và đầu năm 2022, cái triển vọng tăng trưởng nó tương đối rõ ràng. Nhưng ở thời điểm này có thể nhìn thấy khá nhiều doanh nghiệp bắt đầu đưa ra các kết quả kinh doanh khá xấu. Thường thị trường đi trước cho nên khi các diễn biến này đã phản ánh một phần vào giá từ trước đó khi NĐT nghĩ rằng là lợi nhuận đã đạt đỉnh, sau đó mức giá cổ phiếu giảm.

Thị trường chứng khoán Việt giảm mạnh nhất toàn cầu và nút thắt thanh khoản

Đóng cửa phiên 14/11, VN-Index taji1 tục phá thủng mốc hỗ trợ 950 điểm, lùi về ngưỡng 941 với sắc đỏ bao trùm thi trường. Với đà lao dốc không phanh, Việt Nam là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm 2022, vượt qua mức giảm của thị trường Nga, Hồng Kông và cả chỉ số Nasdaq.

Đợt giảm này đã đưa VN-Index về mức định giá của các thời điểm kinh tế Việt Nam gặp khủng hoảng trong quá khứ, phản ánh những rủi ro về thanh khoản mà khối doanh nghiệp và cả thị trường đang phải trải qua.

Áp lực thanh khoản vẫn đang là vấn đề lớn của thị trường khi nhà đầu tư chưa biết đây đã là kịch bản tồi tệ nhất hay chưa, đồng thời đáo hạn trái phiếu, call margin cũng gây tác động không nhỏ.

Bối cảnh thị trường trong nước hiện nay là dòng tiền cạn kiệt, chi phí vốn tăng sau động thái nâng lãi suất điều hành lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp gặp khó khăn ở kênh trái phiếu. Từ nay đến cuối năm, nút thắt thanh khoản được nhận định là vấn đề khiến nhà đầu tư quan tâm hơn là diễn biến của VN-Index hay hệ số định giá P/E.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Đầu tư tại CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội, mối khi thị trường có tín hiệu xấu đi một chút là nhiều nhà đầu tư có tâm lý cứ bán đã, có thể họ tính sẽ mua lại giá thấp sau. Xu thế này đã hình thành và bây giờ tin tốt thì thị trường phản ứng ít, còn tin xấu lại phản ứng mạnh.

Kể từ tháng 4/2022 đến nay, thị trường Việt Nam đã chứng kiến nhiều phiên bán tháo trước các thông tin tiêu cực và khiến VN-Index trong những ngày đó ghi nhận mức giảm kinh hoàng.

Nhiều cổ phiếu hiện tại đã được chiết khấu 30 - 70% so với thị giá hồi Vn-Index đạt 1.500, song bên mua vẫn có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm, trong khi, những người đang gồng lỗ thì hầu như không có nguồn để mua thêm. Các công ty chứng khoán trước hành động nâng lãi suất mạnh từ ngân hàng, cũng đang ráo riết theo đuổi cuộc đua tăng lãi cho vay ký quỹ.

Trong khi đó, khối tổ chức trong nước gặp áp lực thanh toán các khoản gốc và lãi trái phiếu khi hạn mức tín dụng hạn chế và kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có các quy định chặt chẽ hơn.

Ông Lâm Gia Khang, ngươif phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất yếu.

Ngoài rủi ro cạnh tranh với kênh tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại, thị trường còn đứng trước lực bán gia tăng khi nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản tiến hành bán cổ phiếu để mua lại trái phiếu trước hạn.

“Ở những giai đoạn trước, khi thị trường “co thắt” mạnh thường báo tín hiệu dòng tiền lớn tham gia và trạng thái hồi phục ngắn sẽ diễn ra sau đó. Tuy nhiên, ở đợt điều chỉnh lần này, kịch bản điều chỉnh thêm vẫn cần phải tính đến”, ông Khang nói.

Hành động cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Agribank khuyến nghị, nếu giải ngân giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu chiến thắng thị trường, hay sinh lời nhanh trong ngắn hạn. Đối với mục tiêu thứ nhất, nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ nên được ưu tiên lựa chọn.

Ông Khoa cho biết bản thân nhắm đến những cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm dược phẩm, điện, thực phẩm, công nghệ. "Đây là những cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng bởi thị trường chung và mặt bằng giá đã về vùng hấp dẫn, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng ổn định. Đối với mục tiêu sinh lời nhanh trong ngắn hạn, chúng ta cần chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn.""

Theo Giám đốc Khoa, ông lựa chọn cổ phiếu trong nhóm VN30, có mức giảm từ đỉnh cao nhất, hoặc những cổ phiếu đang bị ảnh hưởng bởi lực bán giải chấp. "Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần thận trọng khi giải ngân, không nên bắt đáy, mà chỉ nên mua khi có tín hiệu rõ ràng, ví dụ giá hồi phục khoảng 10 - 20%”.

Với cổ phiếu giảm giá 70 - 80% trong ngắn hạn thì bỏ lỡ 10 - 20% mức hồi phục ban đầu vẫn là cơ hội đầu tư tiềm năng và việc xuống tiền mua cổ phiếu khi đã xác nhận được xu hướng hồi phục sẽ an toàn hơn so với việc bắt đáy.