e magazine
CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

23/04/2025 22:09

Chính sách thuế quan bất ngờ từ Tổng thống Donald Trump đang thổi bùng nỗi lo “đình lạm” quay trở lại. Trong cơn sóng gió vĩ mô chưa từng có, giới đầu tư toàn cầu buộc phải đặt cược lại: vàng, USD, Bitcoin – đâu mới là hầm trú ẩn thực sự?
CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

Ngày 5/4/2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại toàn cầu, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức kích hoạt gói thuế đối ứng quy mô chưa từng có. Theo đó, mức thuế cơ bản 10% được áp dụng đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong khi các mức thuế đối ứng cao hơn – từ 11% đến 50% – được áp dụng từ ngày 9/4/2025 nhưng tạm hoãn 90 ngày đối với hầu hết quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Lập tức, thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu chấn động bởi làn sóng lo ngại về một chu kỳ “đình lạm” (stagflation) kiểu mới.

Chỉ số U.S. Dollar Index (DXY) sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2022, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt, giá vàng phá vỡ mọi mốc cản lịch sử, trong khi Bitcoin bất ngờ bật tăng trở lại sau chuỗi ngày điều chỉnh sâu. Các cặp tỷ giá chủ chốt như EUR/USD, USD/JPY và GBP/USD liên tục biến động mạnh chỉ sau từng phát ngôn của giới chức Washington.

Trước những biến động mạnh của thị trường quốc tế và nhằm giải mã 'la bàn chính sách' của Fed trong giai đoạn nhạy cảm này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trịnh Văn Tùng – Giám đốc điều hành cổng thông tin Dubaotiente. Ông Tùng là CFTe Charterholder, CMT Level 3 Candidate, từng là chuyên gia giao dịch tự doanh ngoại tệ tài khoản G7 tại Phòng Kinh doanh Ngoại hối – Khối Nguồn vốn & Thị trường Tài chính của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), đồng thời giữ vị trí chuyên gia phân tích kỹ thuật cao cấp tại CTCP Chứng khoán VPS. Hiện ông cũng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Tài chính tại CDT Investment – một trong những đơn vị giao dịch phái sinh hàng hóa lớn nhất Việt Nam, thành viên chính thức của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Ông Trịnh Văn Tùng – Giám đốc Điều hành cổng thông tin Dubaotiente, chuyên gia phân tích kỹ thuật và chiến lược giao dịch vĩ mô trên các thị trường ngoại hối, hàng hóa phái sinh và tiền điện tử.

PV: Từ các tuyên bố mới về chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, lo ngại về kịch bản “đình lạm” tại Mỹ đang gia tăng. Theo ông, Fed sẽ định hình chính sách tiền tệ ra sao trong bối cảnh này? Dự báo ba đợt cắt giảm lãi suất của CME FedWatch liệu có phản ánh đúng kỳ vọng thị trường, hay vẫn đang lệch pha với quan điểm thực tế của FOMC?

Ông Trịnh Văn Tùng: Đầu tiên, chúng ta cần làm rõ nguồn gốc của câu chuyện “đình lạm” (stagflation) đến từ đâu. Cụm từ “nguy cơ đình lạm ở mức nhẹ” hoặc “nguy cơ suy thoái” xuất hiện khá nhiều trên truyền thông Mỹ trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, đặc biệt sau khi ông Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng siêu cao áp dụng với rất nhiều quốc gia. Kịch bản đình lạm tại Mỹ xuất phát từ khảo sát của các trang tin lớn, ví dụ như Reuters, cùng với đánh giá của các bộ phận nghiên cứu tại các tổ chức tài chính và ngân hàng như Citi, JPMorgan, UBS… Hầu hết đều đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và nhận định rằng lạm phát sẽ dai dẳng hơn do lo ngại tác động từ chính sách thuế quan.

Tuy vậy, trên thực tế, các kịch bản này hiện vẫn chưa xảy ra. Câu chuyện thuế quan cho đến nay chưa được phản ánh vào các dữ liệu kinh tế, mà mới chỉ thể hiện sớm qua các phát ngôn và biến động của thị trường tài chính. Số liệu gần nhất thậm chí còn cho thấy lạm phát Mỹ vẫn đang trên đà hạ nhiệt.

Tiếp theo, nếu quay lại với vai trò của Fed, chúng ta thấy rằng cơ quan này đang phải “đi trên dây” giữa hai áp lực: một bên là ổn định giá cả, một bên là hỗ trợ tăng trưởng. Đình lạm là một kịch bản không hề dễ chịu đối với Fed. Nếu nhìn lại giai đoạn năm 1979, khi Mỹ vật lộn với lạm phát phi mã và suy giảm niềm tin kinh tế, Fed dưới thời Chủ tịch Paul Volcker đã quyết định nâng lãi suất lên tới 20% để đối phó với lạm phát, bất chấp việc điều đó gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng ngay sau đó. Volcker chọn giải pháp triệt để để kiểm soát lạm phát trước, và kết quả là lạm phát được kiềm chế, thất nghiệp giảm và tăng trưởng kinh tế quay trở lại sau đó. Cách tiếp cận này đã được lịch sử chứng minh là đúng đắn.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Biến động song hành của lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ giai đoạn 1970–1986. Nguồn: Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (Bureau of Labor Statistics).

Quay trở lại với bối cảnh hiện tại, tình hình của Fed và Chủ tịch Powell đang trở nên phức tạp hơn so với đợt điều chỉnh lãi suất trước đó vào tháng 9/2024. Phức tạp ở chỗ, chính sách thuế quan mới đã tác động rất mạnh lên tâm lý thị trường tài chính, nhưng lại chưa phản ánh ngay vào dữ liệu kinh tế thực. Điều này khiến các quan chức Fed chưa có đủ cơ sở để đưa ra hành động cụ thể. Ngoài ra, sự thiếu nhất quán trong chính sách điều hành dưới thời Tổng thống Donald Trump – đặc biệt là các quyết định đối nội và đối ngoại có nhiều yếu tố bất ngờ – đang đặt ra thách thức lớn đối với tính ổn định và khả năng dự báo của chính sách tiền tệ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong trường hợp giá cả tăng trở lại và tạo ra nguy cơ lạm phát kéo dài, Chủ tịch Powell sẽ ưu tiên kiểm soát lạm phát. Điều này được thể hiện rõ trong phát ngôn gần đây của ông: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ kỳ vọng lạm phát dài hạn ổn định và đảm bảo rằng một đợt tăng giá mang tính nhất thời sẽ không biến thành một vấn đề lạm phát dai dẳng”; và “Nếu giá cả không ổn định, chúng ta không thể duy trì một thị trường lao động mạnh mẽ kéo dài”.

Như vậy, việc ông Powell tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên kiểm soát lạm phát cũng là cách gián tiếp bác bỏ khả năng Fed sẽ sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, bất chấp triển vọng tăng trưởng đang suy yếu.

Về phía thị trường, các hợp đồng tương lai lãi suất trên CME hiện đang định giá ba đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kỳ vọng – mang tính phản ứng kỹ thuật – chứ chưa hoàn toàn phù hợp với thông điệp mà Fed đang phát đi. Nếu các chỉ số như CPI và PCE tiếp tục cho thấy áp lực giá vẫn ở mức cao, kỳ vọng thị trường sẽ bị điều chỉnh mạnh. Trong khi đó, yếu tố “bất ngờ” từ các chính sách thương mại của Tổng thống Trump vẫn là biến số khó lường và có thể tiếp tục gây đảo chiều kỳ vọng bất cứ lúc nào.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

PV: Chỉ số DXY suy yếu mạnh trong thời gian gần đây. Theo ông, đây là phản ứng ngắn hạn trước các cú sốc chính sách, hay là dấu hiệu cho một sự điều chỉnh cấu trúc trong vai trò toàn cầu của USD? Đồng thời, phản ứng của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ và biến động đường cong lợi suất có đang phát đi tín hiệu cảnh báo mới về chu kỳ kinh tế không?

Ông Trịnh Văn Tùng: Đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng như nhịp giảm mạnh chưa từng có kể từ năm 2022 trở lại đây của đồng đô la Mỹ hoàn toàn là phản ứng tự nhiên của nhà đầu tư khi niềm tin đối với sự an toàn của tài sản mà họ nắm giữ bị lung lay trên diện rộng. Kể từ sau khi chế độ Bretton Woods kết thúc vào năm 1971, giá trị của đồng tiền không còn được neo vào vàng mà phụ thuộc vào niềm tin của thị trường đối với quốc gia phát hành và nhà điều hành chính sách. Đặc biệt với Hoa Kỳ, niềm tin đó gần như mặc định, và chính điều này đã tạo nên vị thế cốt lõi của đồng đô la Mỹ và trái phiếu Kho bạc Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu.

Chúng ta từng chứng kiến những cú sốc lớn trong quá khứ, kể cả ở các nước phát triển, khi niềm tin của thị trường đối với các nhà làm luật bị đe dọa nghiêm trọng. Vào năm 2019 tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã sa thải Thống đốc Ngân hàng Trung ương vì bất đồng với việc duy trì lãi suất điều hành ở mức quá cao – 24% – nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ đồng Lira. Hành động này vô tình làm xói mòn niềm tin vào năng lực điều hành chính sách tiền tệ, và trở thành một trong những nguyên nhân khiến đồng Lira lao dốc không phanh suốt nhiều năm sau đó. Ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ nâng lãi suất lên gần 50%, tình thế vẫn không thể cứu vãn.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Tỷ giá USD/TRY tăng vọt, phản ánh đà lao dốc không phanh của đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khủng hoảng tiền tệ năm 2018. Nguồn: Trading Econimics.

Làm mất niềm tin của thị trường là một rủi ro cực kỳ nghiêm trọng, không chỉ với các nền kinh tế mới nổi, mà ngay cả với những quốc gia phát triển hàng đầu. Nước Anh năm 2022 là một ví dụ tiêu biểu. Trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát, tân Thủ tướng Liz Truss lại công bố một gói kích thích tài khóa quy mô lớn, buộc Bộ Tài chính phải phát hành một lượng trái phiếu rất lớn trong thời gian ngắn. Hệ quả là thị trường trái phiếu Anh bị bán tháo mạnh, các quỹ hưu trí đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, và đồng bảng Anh mất giá tới gần 15% chỉ trong vòng hai tháng. BoE buộc phải hành xử như một Ngân hàng Trung ương của thị trường cận biên: một mặt vẫn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, mặt khác lại bơm tiền ra thị trường để duy trì thanh khoản trái phiếu. Áp lực tài chính và phản ứng thị trường đã buộc bà Truss phải từ chức chỉ sau hơn một tháng cầm quyền. Rất may là cú sốc đó không để lại di chứng dài hạn.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Áp lực bán tháo trái phiếu đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm tăng vọt vào cuối năm 2022. Nguồn: Trading Economics.

Theo tôi, phản ứng của trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng đô la Mỹ trong giai đoạn này – dù khác nhau về quy mô – nhưng có những nét tương đồng đáng lưu ý với hai ví dụ kể trên. Nhà đầu tư đang mất dần niềm tin vào độ an toàn và ổn định của tài sản Hoa Kỳ, khi chứng kiến sự bất đồng giữa chính quyền Tổng thống Trump và Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cũng như sự thiếu nhất quán trong chính sách thuế quan đối với các đối tác thương mại. Và bởi vì trái phiếu chính phủ Mỹ và USD là hai tài sản trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu, nên biến động của chúng có khả năng gây hiệu ứng lan tỏa sang nhiều loại tài sản và thị trường khác nhau. Nếu Hoa Kỳ không có biện pháp củng cố lại lòng tin của thị trường, dòng vốn quốc tế có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển sang các khu vực khác.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Chỉ số DXY phá vỡ vùng đáy thiết lập từ năm 2023, mở ra khả năng giảm sâu hơn trong thời gian tới. Nguồn: Trading View.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn là phản ứng mang tính cục bộ đối với các động thái gần đây của chính quyền Mỹ. Còn quá ít dữ kiện để kết luận rằng nó sẽ tạo ra một sự điều chỉnh mang tính cấu trúc đối với vai trò toàn cầu của USD, đặc biệt khi người đứng đầu chính quyền là ông Trump – một nhân vật nổi tiếng với khả năng đàm phán, xoay chuyển tình thế và đảo chiều chính sách trong thời gian rất ngắn. Trong nhiệm kỳ trước, chúng ta đã từng chứng kiến những pha đảo chiều ngoạn mục trên thị trường tài chính toàn cầu chỉ bằng vài dòng tweet từ tài khoản của ông.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

PV: Đồng USD suy yếu gần đây đang kéo theo biến động mạnh ở nhiều cặp tỷ giá chủ chốt như EUR/USD, USD/JPY và GBP/USD. Trong kịch bản USD tiếp tục mất giá, theo ông, đồng tiền nào có khả năng duy trì đà tăng ổn định? Đồng thời, sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa các NHTW lớn trong năm 2025 sẽ ảnh hưởng ra sao đến dòng vốn trên thị trường ngoại hối toàn cầu?

Ông Trịnh Văn Tùng: Trong nhiều tuần gần đây, câu hỏi lớn nhất trên thị trường là: nếu không phải đô la Mỹ và trái phiếu Chính phủ Mỹ thì tài sản nào đủ an toàn để thay thế? Nhà đầu tư bắt đầu nhìn sang trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, trái phiếu Đức và các thị trường có tỷ lệ rủi ro chính sách thấp hơn. Việc dòng tiền chuyển dịch sang các khu vực này không phản ánh kỳ vọng tăng trưởng tích cực hay ưu thế nội tại của các khu vực đó, mà đơn giản thể hiện rằng nhà đầu tư không còn lựa chọn nào khác an toàn hơn trong bối cảnh hiện tại.

Trái phiếu tại châu Âu và Nhật Bản – vốn bị đánh giá là kém hấp dẫn suốt nhiều năm qua do lợi suất siêu thấp – nay đang quay trở lại mạnh mẽ. Tại Đức, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm (Bund) đã tăng lên 2,61%, được thúc đẩy bởi kế hoạch chi tiêu công quy mô lớn nhằm tăng cường năng lực quốc phòng và đầu tư hạ tầng. Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu kỳ hạn tương đương đã vọt lên khoảng 1,25% sau nhiều năm neo gần bằng 0, trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ từ bỏ chính sách nới lỏng cực đoan đã duy trì hơn một thập kỷ.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm sau khi trừ chi phí phòng hộ tỷ giá hiện thấp hơn lợi suất trái phiếu Đức 10 năm, khiến Bund trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư châu Âu. Nguồn: Bloomberg.

Nếu đồng USD tiếp tục suy yếu vì các nguyên nhân trên, EUR sẽ là đồng tiền được hưởng lợi nhiều nhất trong rổ DXY do chiếm tỷ trọng thương mại lớn nhất so với các đối tác của Mỹ. Tiếp theo là đồng JPY, vốn đã chịu áp lực bán mạnh trong hai năm gần đây do hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Tương quan sức mạnh của các đồng tiền chủ chốt cho thấy EUR và JPY đang tăng mạnh nhất so với USD. Nguồn: DBPro.

Trong dài hạn, xét theo yếu tố phân hóa chính sách tiền tệ, đồng JPY có khả năng hưởng lợi nhiều hơn khi BoJ thể hiện quyết tâm từ bỏ chính sách nới lỏng cực đoan trong bối cảnh lạm phát tại Nhật Bản đang có xu hướng tăng dần.

Trong khi đó, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, ECB lại nhiều khả năng sẽ sớm hạ lãi suất do áp lực lạm phát tại đây đang giảm mạnh và không còn là mối đe dọa ưu tiên hàng đầu. Ở bên kia Đại Tây Dương, định hướng chính sách của Fed vẫn còn là một ẩn số. Các quan chức FOMC đang chờ đợi số liệu CPI của tháng tiếp theo để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực tế từ chính sách thuế quan, do đó đồng USD hiện nay vẫn đang chịu áp lực nhiều hơn từ yếu tố niềm tin của thị trường thay vì là từ kỳ vọng chính sách cụ thể.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

PV: Giá vàng giao ngay (XAU/USD) liên tục lập đỉnh trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát tăng và rủi ro vĩ mô leo thang. Theo ông, xu hướng này phản ánh điều gì về vai trò của vàng hiện nay – liệu vàng đang tái khẳng định vị thế là tài sản dự trữ toàn cầu, hay chỉ là phản ứng nhất thời trước bất ổn? Đồng thời, mối tương quan giữa vàng, USD và lãi suất thực đang dịch chuyển theo hướng nào?

Ông Trịnh Văn Tùng: Chúng ta có thể thấy một điểm khá đặc biệt trong 6 tháng trở lại đây, đó là khi USD tăng thì vàng đi ngang hoặc tăng nhẹ, khi DXY giảm thì vàng tăng rất mạnh. DXY và giá vàng giao ngay (XAU/USD) có nhiều thời điểm cùng tăng với nhau.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Chỉ số DXY và giá vàng giao ngay (XAU/USD) có nhiều thời điểm cùng tăng mạnh trong giai đoạn từ giữa năm 2024 đến đầu tháng 4/2025. Nguồn: Nguồn: Trading Economics.

Trong suốt năm ngoái, nhu cầu mua vàng vật chất từ Trung Quốc tăng mạnh là yếu tố chính ủng hộ giá vàng, đẩy giá vượt qua nhiều mốc cản lớn. Còn trong năm nay, đặc biệt là 1 tháng trở lại đây, nhà đầu tư đang phải tính tới rủi ro gia tăng về một cuộc suy thoái sâu hơn, khả năng leo thang trong căng thẳng địa chính trị, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lo ngại về lạm phát. Điều đó khiến vàng trở thành tài sản có sức hấp dẫn vượt trội hơn cả.

Giá vàng không còn chỉ nhìn vào lãi suất Fed hay lợi suất TPCP, mà nó trở thành một trong số rất ít sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư trong bối cảnh họ phải quay lưng với những tài sản an toàn khác là USD và TPCP. Theo báo cáo gần nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, có tổng cộng 21 tỷ USD, tương đương 226 tấn vàng, đã đổ vào các quỹ ETF trong quý đầu tiên. Đây là quý chứng kiến nhu cầu vàng cao nhất kể từ giữa năm 2020.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

Nếu chúng ta để ý, trong 2 tuần trở lại đây, bất cứ lúc nào ông Trump có phát biểu leo thang về thuế quan, hay thể hiện sự bất đồng với chính sách điều hành của Chủ tịch Fed Powell, thì USD giảm rất mạnh và vàng tăng phi mã. Điều này ngầm định rằng thị trường đang chọn vàng thay vì USD khi đồng bạc xanh đang có những yếu tố nội tại gây mất niềm tin.

Theo tôi đánh giá, đây là mối quan hệ chính giữa vàng, USD và trái phiếu chính phủ Mỹ trong ngắn hạn. Nó là sự lựa chọn giữa tài sản nào an toàn hơn, thay vì tài sản nào sẽ tạo ra mức sinh lời tối ưu hơn trong tương lai. Dòng tiền đổ vào ETF vàng SPDR tăng mạnh từ đầu năm.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Dòng tiền đổ vào quỹ ETF vàng SPDR tăng mạnh từ đầu năm 2025, song hành cùng đà tăng của giá vàng tương lai trên sàn NYMEX. Nguồn: MacroMicro (macromicro.me).

PV: Bitcoin (BTC/USD) đã bật tăng trở lại trong tháng 4 sau nhịp điều chỉnh mạnh do lo ngại chính sách thuế của Mỹ. Theo ông, diễn biến này cho thấy Bitcoin đang dần được nhìn nhận như một công cụ phòng ngừa rủi ro vĩ mô, hay vẫn chỉ là tài sản đầu cơ có tính biến động cao?

Ông Trịnh Văn Tùng: Kể từ khi vượt qua giá vàng và gây ấn tượng với cả thế giới, từ năm 2017 tới nay, đã có rất nhiều nỗ lực đưa Bitcoin nói riêng và crypto nói chung ra với thị trường chính thống, từ việc cấp phép cho các hợp đồng tương lai Bitcoin, tới cấp phép cho các quỹ ETF Bitcoin, hay đưa Bitcoin trở thành một loại tài sản trong kho dự trữ chiến lược. Thậm chí có một thời gian, nhà đầu tư dấy lên hy vọng rằng Bitcoin có thể sẽ là “vàng kỹ thuật số”, vì nó có đủ yếu tố như độ khan hiếm, tính lưu trữ giá trị…

Tuy nhiên, về mặt khách quan, Bitcoin lại đang tương quan nhiều hơn với rổ Nasdaq – đại diện cho nhóm tài sản rủi ro có độ biến động cao. Nói cách khác, Bitcoin vẫn được nhìn nhận là công cụ đầu cơ nhiều hơn là công cụ phòng hộ rủi ro.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Bitcoin thể hiện mối tương quan thuận rõ rệt với chỉ số Nasdaq trong giai đoạn từ 2022 đến 2025. Nguồn: Trading View, dữ liệu cập nhật đến ngày 22/4/2025.

Nếu xét trên góc độ là một tài sản đầu cơ rủi ro, phản ứng gần đây của Bitcoin là hoàn toàn dễ hiểu: giá đang ở trạng thái quá mua sau câu chuyện Bitcoin ETF và làn sóng “Trump trade” (dòng tiền mua vào tài sản rủi ro với kỳ vọng ông Donald Trump tái đắc cử), sau đó bị tác động tiêu cực khiến các vị thế đòn bẩy bị đóng cắt lỗ trên diện rộng, tạo ra nhịp điều chỉnh sâu.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation

Hiện tại, Bitcoin và thị trường crypto nói chung đang ở trong tình trạng “deleveraged” – các trạng thái sử dụng đòn bẩy bị đóng trên diện rộng, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh trên vị thế mở (open interest – OI) của các hợp đồng tương lai Bitcoin, từ 36 tỷ USD xuống còn 27 tỷ USD. Giá có thể nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ vùng $75.000–$80.000. Thị trường có thể tìm kiếm đà phục hồi từ những dấu hiệu giảm căng thẳng trong chiến tranh thương mại cũng như bất đồng giữa tổng thống Trump và chính sách của ông Powell, tuy nhiên đang thiếu các yếu tố dẫn dắt rõ ràng, cả về vĩ mô lẫn nội tại, để đưa đà tăng quay trở lại.

CEO Dubaotiente: Fed sẽ ‘diều hâu trở lại’ nếu lạm phát tăng, chưa có dấu hiệu stagflation
Khối lượng vị thế mở (Open Interest) của Bitcoin giảm mạnh từ 36 tỷ USD xuống còn 27 tỷ USD trong quý I/2025. Nguồn: CryptoQuant, dữ liệu cập nhật đến tháng 4/2025.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất ở mức cao và tiếp tục quan sát dữ liệu lạm phát, trong khi tâm lý rủi ro (risk sentiment) của nhà đầu tư đang giảm đáng kể. Vì vậy, triển vọng của thị trường tiền điện tử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến và định hướng chính sách trong cuộc chiến thuế quan của Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông vì những phân tích sắc sảo và kịp thời giữa bối cảnh thị trường đầy biến động. Góc nhìn từ ông sẽ là nguồn tham khảo giá trị cho giới đầu tư trong việc định hướng chiến lược tài sản.