Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW với trọng tâm xuyên suốt là kiến tạo đột phá thể chế để khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột chiến lược của nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 là khu vực tư nhân đóng góp 55–58% GDP, 35–40% tổng thu ngân sách và sử dụng tới 85% lực lượng lao động; xa hơn, đến năm 2045, khu vực này được kỳ vọng chiếm hơn 60% GDP và xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tầm vóc khu vực cũng như toàn cầu.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 không chỉ nhấn mạnh vai trò động lực tăng trưởng mà còn thiết lập một khuôn khổ cải cách sâu rộng cho thị trường vốn. Từ bảo vệ quyền sở hữu tài sản, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro thể chế, đến thúc đẩy thị trường trái phiếu, mở rộng ưu đãi thuế cho đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng – tất cả đều nhằm tạo điều kiện cho dòng vốn dài hạn “cắm rễ” vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt qua kênh chứng khoán. Trước sức ép cạnh tranh dòng vốn toàn cầu ngày càng khốc liệt, đâu là cơ hội và điều kiện đủ để Việt Nam thuyết phục được các nhà đầu tư tổ chức quốc tế, từ các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư chủ quyền đến các định chế tài chính đang theo đuổi chiến lược phân bổ vốn trung – dài hạn?
Để đi tìm lời giải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam. Hiện, bà Minh trực tiếp phụ trách phân tích kinh tế vĩ mô, chiến lược thị trường vốn và đánh giá doanh nghiệp niêm yết tại Dragon Capital – một trong những tổ chức quản lý quỹ chuyên nghiệp đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với lịch sử phát triển liên tục từ năm 1994.
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo bà, đâu là rào cản chính khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chưa gia tăng mạnh vào doanh nghiệp tư nhân niêm yết? Những cải cách pháp lý và thể chế nào cần ưu tiên để tạo bước ngoặt thu hút dòng vốn dài hạn?
Bà Đặng Nguyệt Minh: Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách quyết liệt nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, mới nhất là Nghị quyết 68 được ban hành vào đầu tháng 5 năm nay. Trong bối cảnh đó, cải cách hệ thống quy định đối với thị trường chứng khoán cũng được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là các nỗ lực nhằm nâng hạng thị trường. Việc nâng hạng không chỉ đơn thuần là một mục tiêu kỹ thuật, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình hội nhập thị trường tài chính toàn cầu. Đây chính là nền tảng quan trọng để mở rộng quy mô và tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó giúp doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn, mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh và tăng tốc tăng trưởng. Khi đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân sẽ ngày càng rõ nét và thực chất hơn.
![]() |
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là chất lượng và độ sâu của nền tảng doanh nghiệp niêm yết. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán còn hạn chế, trong khi năng lực quản trị, minh bạch thông tin và quy mô tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư tổ chức quốc tế. Đây là điểm nghẽn cần được giải quyết một cách đồng bộ và có trọng tâm.
Để tạo ra bước ngoặt trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp vào khu vực tư nhân, theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào ba nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển đa dạng các sản phẩm tài chính mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư dài hạn và chuyên biệt của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các công cụ phái sinh, quỹ ETF mở rộng, trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, chứng quyền có bảo đảm, quỹ hưu trí tự nguyện và các sản phẩm ESG. Thứ hai, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trong khu vực kinh tế tư nhân, thông qua cải thiện tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, năng lực công bố thông tin và minh bạch tài chính. Thứ ba, tiếp tục nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL – Foreign Ownership Limit), từ đó tăng khả năng tiếp cận và cải thiện tính hấp dẫn đối với dòng vốn dài hạn.
Khi những yếu tố này được đồng bộ hóa trong một khung pháp lý ổn định, minh bạch và thân thiện với nhà đầu tư tổ chức, dòng vốn quốc tế sẽ có thêm động lực để gia tăng tỷ trọng đầu tư vào khu vực doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam – không chỉ ở góc độ cơ hội thị trường, mà còn là niềm tin vào môi trường đầu tư và cam kết cải cách thể chế dài hạn của Chính phủ.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thị trường vốn minh bạch, hiệu quả và giảm dần phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, theo bà, đâu là điều kiện nền tảng giúp thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung – dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân? Những cải cách nào về công bố thông tin, quản trị và thể chế cần ưu tiên để gỡ nút thắt chi phí vốn trong 5 năm tới?
Bà Đặng Nguyệt Minh: Để tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ thị trường vốn – bao gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu – nhằm giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hệ số tín dụng trên GDP đã ở mức tương đối cao.
Một yếu tố quan trọng cho sự phát triển thị trường vốn là cải thiện vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi và đạt mức tín nhiệm quốc gia với điểm đầu tư (investment grade) tích cực là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn dài hạn từ các quỹ đầu tư lớn – những tổ chức hiện nay vẫn đang bị giới hạn bởi các tiêu chí phân loại thị trường và xếp hạng tín nhiệm.
![]() |
Trong các năm tới, cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn có thể trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho khu vực kinh tế tư nhân, nếu được đặt trong một khung pháp lý ổn định và minh bạch. Để đạt được điều này, theo Dragon Capital, cần tập trung vào ba giải pháp trọng tâm sau: 1) Chuẩn hóa thông tin phát hành và tăng cường tính minh bạch để xây dựng niềm tin và giảm thiểu rủi ro thông tin cho nhà đầu tư; 2) Phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm độc lập và nâng cao năng lực giám sát thị trường; 3) Tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là vai trò của quỹ hưu trí tự nguyện (pension fund) và nhà đầu tư nước ngoài dài hạn nhằm gia tăng tính ổn định và chiều sâu cho thị trường vốn.
Thị trường vốn khỏe mạnh không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được nguồn lực tài chính dài hạn với chi phí hợp lý, mà còn góp phần tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.
Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu khu vực tư nhân đóng góp khoảng 58% GDP vào năm 2030, trong đó doanh nghiệp niêm yết đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Theo bà, đâu là triển vọng tăng trưởng EPS của nhóm doanh nghiệp này trong 5 năm tới? Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ liệu có thể trở thành động lực mới cho thị trường không?
Bà Đặng Nguyệt Minh: Chúng tôi cho rằng cơ hội trên thị trường sẽ dành cho các doanh nghiệp sở hữu lợi thế cạnh tranh rõ nét, năng lực thực thi hiệu quả đã được chứng minh qua nhiều chu kỳ kinh doanh và đặc biệt là có nền tảng tài chính lành mạnh để ứng phó với những biến động vĩ mô toàn cầu - vốn ngày càng phức tạp và khó dự báo hơn. Trong bối cảnh môi trường lãi suất đang dần ổn định trở lại nhưng không còn ở mức siêu thấp, khả năng quản lý chi phí vốn, tối ưu hoá biên lợi nhuận gộp (gross margin) và duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu là những yếu tố then chốt quyết định mức độ bền vững của EPS trong trung hạn.
Bên cạnh đó, uy tín thương hiệu, tính minh bạch trong hoạt động, cũng như việc tuân thủ các chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp (corporate governance) sẽ tiếp tục đóng vai trò là yếu tố phân hoá, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn, mà còn tác động trực tiếp đến mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp trong chu kỳ tăng trưởng mới. Đây cũng là những tiêu chí trọng yếu mà các nhà đầu tư tổ chức – bao gồm quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia và các định chế tài chính nước ngoài – đặc biệt coi trọng khi phân bổ vốn vào các thị trường cận biên như Việt Nam.
![]() |
Với cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa (mid-cap) và nhỏ (small-cap), chúng tôi nhìn thấy tiềm năng khá lớn nếu doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ngách giàu dư địa tăng trưởng như tiêu dùng nội địa, xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, công nghệ, logistics và năng lượng tái tạo. Khi được hỗ trợ bởi một môi trường thể chế ổn định, chi phí vốn giảm và thanh khoản thị trường cải thiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có điều kiện bứt phá về quy mô, từ đó trở thành những “ngôi sao mới” trong danh mục của các nhà đầu tư dài hạn.
Với hơn 30 năm đầu tư tại Việt Nam, Dragon Capital nhìn nhận ra sao về triển vọng khu vực doanh nghiệp tư nhân trong 5–10 năm tới? Yếu tố nào khiến Quỹ tiếp tục ưu tiên phân bổ vốn vào Việt Nam thay vì các thị trường đang phát triển khác trong khu vực?
Bà Đặng Nguyệt Minh: Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng trung và dài hạn của thị trường Việt Nam – không chỉ vì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, mà còn vì những nền tảng sâu hơn đang được củng cố vững chắc.
Việt Nam đang sở hữu những yếu tố cốt lõi để bước vào một chu kỳ tăng trưởng dài hạn. Trước hết là môi trường thể chế ổn định và định hướng chính sách rõ ràng, nhất quán. Bên cạnh đó là lực lượng lao động trẻ, năng động và dồi dào – yếu tố quan trọng đảm bảo sức cạnh tranh nhân công trong chuỗi cung ứng khu vực. Đồng thời, thị trường nội địa lớn với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng tiếp tục tạo ra một nền tảng tiêu dùng vững chắc cho nhiều ngành hàng, đặc biệt là bán lẻ, tiêu dùng nhanh và dịch vụ công nghệ.
Ngoài ra, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chính là những động lực chính sách then chốt, góp phần nâng cao chất lượng và sức bật của khu vực kinh tế tư nhân.
![]() |
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của chính sách công – đặc biệt là các định hướng phát triển được cụ thể hóa qua các nghị quyết trọng yếu như Nghị quyết số 68-NQ/TW – cùng với sự linh hoạt, nhạy bén và dứt khoát của các doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có khả năng hình thành nên những doanh nghiệp quy mô khu vực, thậm chí toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
PV: Theo bà, đâu là những giải pháp chính sách cần ưu tiên để thu hút hiệu quả dòng vốn tổ chức dài hạn vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt từ các nhà đầu tư quốc tế?
Bà Đặng Nguyệt Minh: Hiện nay, 95% giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy cấu trúc thị trường còn thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức – những đối tượng đóng vai trò cốt lõi trong việc tạo lập tính ổn định và bền vững cho thị trường tài chính.
Để từng bước xây dựng một hệ sinh thái đầu tư cân bằng và chuyên nghiệp hơn, theo tôi, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết là thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các quỹ đầu tư dài hạn trong nước, đặc biệt là quỹ hưu trí tự nguyện. Đây là các định chế tài chính có khả năng phân bổ nguồn vốn một cách ổn định, chuyên nghiệp và có tầm nhìn dài hạn, từ đó góp phần xây dựng tính bền vững cho thị trường vốn và cải thiện chất lượng dòng tiền.
Song song đó, cần áp dụng cơ chế ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân khi tham gia định kỳ vào các sản phẩm quỹ, tương tự như các mô hình đã triển khai rất thành công tại Ấn Độ và Thái Lan. Cơ chế khuyến khích tài khóa này không chỉ góp phần huy động dòng vốn nội địa hiệu quả hơn, mà còn tạo động lực cho hành vi đầu tư dài hạn và hỗ trợ tiến trình chuyên nghiệp hóa thị trường.
![]() |
Một hệ thống chính sách rõ ràng, ổn định và khuyến khích nhà đầu tư tổ chức sẽ là nền tảng then chốt để dòng vốn dài hạn len sâu vào khu vực doanh nghiệp tư nhân, từ đó tạo động lực tăng trưởng bền vững cho toàn nền kinh tế.
Trân trọng cảm ơn bà đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc, góp phần làm rõ các cơ hội và định hướng thu hút dòng vốn dài hạn theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW.