e magazine
Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam

26/04/2025 10:23

Chính sách áp thuế đối ứng 46% của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam không chỉ khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đứng trước nguy cơ mất thị phần, mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền lên hệ thống tài chính, đặc biệt là thị trường bảo hiểm.
Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam

Từ những ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cho đến sự sụt giảm nhu cầu bảo hiểm tài sản và nhân thọ, cú sốc thương mại này đang đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đối mặt với bài toán định phí, đánh giá rủi ro và cơ cấu sản phẩm trong một môi trường đầy biến động.

Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, chuyên gia Trần Nguyên Đán – Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và Quản trị Rủi ro Tài chính (IFRM), với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và bất động sản – đã có những phân tích sâu sắc về các tác động trực tiếp và gián tiếp của chính sách thương mại mới từ Washington, cũng như khuyến nghị chiến lược dành cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm chủ động thích nghi và củng cố nội lực tài chính trước những biến động toàn cầu ngày càng khó lường.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc Mỹ dự định áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam? Đây là động thái thuần túy thương mại, hay cho thấy xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng từ phía Mỹ?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Đầu tiên, chúng ta cần xem xét lại chiến lược hành động của ông Donald Trump khi ông tranh cử Tổng thống.

Ông ấy đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ và đưa sản xuất quay trở lại Mỹ. Do đó, tất cả các chính sách của ông Trump đều hướng đến việc dịch chuyển các nhà sản xuất về lại Hoa Kỳ.

Trong một thời gian dài, nước Mỹ đã dàn trải sản xuất ra toàn thế giới để tận dụng các lợi thế về nhân công, nguyên vật liệu, tạo thành một chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc các nhà máy dịch chuyển ra nước ngoài tuy mang lại lợi ích kinh tế cho các tập đoàn lớn, nhưng lại không giúp chính phủ Mỹ giải quyết được bài toán xã hội – cụ thể là giảm tỷ lệ thất nghiệp. Vì vậy, việc áp thuế như hiện nay là một động thái nhằm khôi phục sản xuất trong nước, và nó còn hơn cả một vấn đề thương mại đơn thuần.

Chúng ta có thể lấy một ví dụ: nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam, rõ ràng là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Nhìn lại cơ cấu xuất khẩu sang Mỹ, phần lớn là hàng hóa do các doanh nghiệp FDI sản xuất. Về lý thuyết, đây có thể là một động thái nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất về lại nội địa.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu nhà máy của Mỹ quay lại nội địa thì chi phí logistics sẽ tăng, bởi vì nguyên vật liệu vẫn phải nhập khẩu từ các nơi khác. Nước Mỹ không có đủ cơ sở để chế tạo một sản phẩm hoàn chỉnh trong nước. Thêm nữa, chi phí nhân công ở Mỹ rất cao, làm giảm sức hấp dẫn về giá bán cuối cùng cho người tiêu dùng.

Do đó, việc áp thuế 46% đối với hàng Việt Nam – cũng như các mức thuế cao đối với các quốc gia khác – không chỉ để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ mà còn nhằm giải quyết bài toán thất nghiệp trong nước và nâng cao năng lực sản xuất quốc gia.

PV: Theo ông, những lĩnh vực nào trong nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp và ngay lập tức từ chính sách thuế này?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Chính sách áp thuế đối ứng 46% của Mỹ sẽ tác động trực tiếp và gần như tức thì đến nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là những ngành phụ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt khoảng 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Riêng thị trường Mỹ đóng góp 119,5 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, với mức tăng trưởng ấn tượng 23,17%.

Đáng chú ý, 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ đạt kim ngạch 98,54 tỷ USD, chiếm tới 82,46% tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Các nhóm hàng dẫn đầu bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (23,2 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (22,05 tỷ USD); dệt may (16,15 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (9,82 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (9,06 tỷ USD); giày dép (8,28 tỷ USD).

Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam

Đây đều là những ngành sử dụng lượng lao động rất lớn và có chuỗi cung ứng phụ thuộc đáng kể vào các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, nếu thuế suất tăng cao, chi phí sẽ bị đẩy sang giá bán cuối cùng, khiến sản phẩm Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh tại Mỹ.

Người tiêu dùng Mỹ khi đó có thể chuyển hướng sang hàng hóa từ các quốc gia khác hoặc ưu tiên tiêu dùng nội địa, dẫn đến sụt giảm đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và việc làm trong nước.

So với Trung Quốc – đối tác thương mại được cho là lớn của Việt Nam – thì Hoa Kỳ mới là thị trường xuất siêu lớn và thực chất hơn. Trong khi Việt Nam nhập siêu đáng kể từ Trung Quốc, thì với Mỹ, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại cao và bền vững, nên bất kỳ thay đổi nào từ chính sách thương mại của Washington đều có tác động sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, một số ngành như nông sản có thể ít bị ảnh hưởng hơn do thị trường xuất khẩu được phân bổ đa dạng hơn, gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, các nhóm ngành thâm dụng lao động như điện tử, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thiết bị máy móc… chắc chắn sẽ là những "tuyến đầu" chịu tác động của chính sách thuế mới.

Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam

PV: Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam chủ yếu tác động tới khối doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông, việc này sẽ kéo theo ảnh hưởng như thế nào tới nhu cầu sử dụng các sản phẩm bảo hiểm thương mại và bảo hiểm tài sản doanh nghiệp?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Về mặt kỹ thuật, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo điều kiện FOB (Free On Board), khác với Trung Quốc hay các nước lớn thường sử dụng điều kiện CIF. Lý do là Việt Nam không có đội tàu mạnh và quyền chọn hình thức mua thường nằm ở phía nhà nhập khẩu – họ mua FOB và tự lo bảo hiểm. Do đó, tác động trực tiếp lên thị trường bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu không lớn, vì từ trước đến nay chúng ta vốn không bán được nhiều bảo hiểm xuất khẩu.

Tuy nhiên, tác động gián tiếp thì đáng kể. Khi doanh nghiệp xuất khẩu thu hẹp sản xuất, nhu cầu bảo hiểm hàng hóa trong kho, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cho người lao động cũng giảm. Nếu xuất khẩu sụt giảm mạnh, người tiêu dùng cũng sẽ thắt chặt chi tiêu, chuyển sang xu hướng tiết kiệm. Họ sẽ cắt giảm các khoản bảo hiểm cá nhân như bảo hiểm sức khỏe, bệnh hiểm nghèo...

Điều này đã phản ánh rõ trong thị trường: trong khi thị trường tài chính sụt giảm, cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng giảm theo, đặc biệt là những doanh nghiệp bán bảo hiểm nhân thọ.

PV: Các doanh nghiệp xuất khẩu thường sử dụng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm trách nhiệm. Nếu doanh thu và quy mô sản xuất sụt giảm vì rào cản thuế, liệu các hợp đồng bảo hiểm hiện có sẽ bị điều chỉnh hay hủy bỏ không?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Trong các loại hình bảo hiểm, nguyên tắc là người tham gia phải đóng phí trước — thường là đóng trọn một năm. Khi sản xuất suy giảm, khách hàng thường khó có thể tái tục hợp đồng hoặc chỉ tái tục với quy mô nhỏ hơn. Trường hợp hủy ngang hợp đồng thì không nhiều vì đã đóng phí rồi.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp sắp tới khi hết hạn hợp đồng có khả năng không tái ký hoặc ký với quy mô nhỏ hơn là điều rất dễ xảy ra. Như vậy, doanh thu phí có xu hướng sụt giảm.

PV: Vậy nếu điều đó xảy ra, ngành bảo hiểm nên ứng xử như thế nào để vừa giữ chân khách hàng, vừa bảo toàn lợi nhuận?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Trong bối cảnh hiện nay, tất cả chúng ta đều đang trông chờ vào kết quả các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm có thể hành động ngay từ bây giờ bằng cách cắt giảm chi phí vận hành để tạo ra các gói hỗ trợ cho khách hàng — ví dụ như gói hoàn phí, giảm phí với những khách hàng có rủi ro thấp, nhằm giữ chân họ.

Tức là ở giai đoạn này, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thay đổi tư duy: Không đặt mục tiêu hàng đầu là đảm bảo lợi nhuận, mà cần đồng hành với khách hàng, chia sẻ khó khăn cùng họ. Khi tình hình kinh doanh hồi phục, chính những khách hàng này sẽ mang lại lợi nhuận trở lại.

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng cần cải thiện tốc độ chi trả bồi thường. Nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà phát sinh tổn thất, việc bồi thường nhanh chóng sẽ giúp họ vượt qua. Đây là lúc tạo dựng mối quan hệ bền chặt, chứ không chỉ là con số tài chính.

Năm nay, doanh nghiệp nên điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận và hướng đến việc giữ khách hàng làm trọng tâm.

PV: Trong bối cảnh rủi ro thương mại leo thang, ông có cho rằng đây là thời điểm phù hợp để các công ty bảo hiểm tái cấu trúc sản phẩm, đặc biệt là các gói bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm chuỗi cung ứng?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Thực ra, hiện nay các công ty bảo hiểm Việt Nam vẫn chưa bán nhiều sản phẩm bảo hiểm liên quan đến xuất khẩu. Nhưng đây là lúc cần nhận thức lại rủi ro thương mại toàn cầu, nhất là với lĩnh vực phi nhân thọ. Đây là loại rủi ro cần được đưa vào mô hình quản trị rủi ro một cách nghiêm túc hơn.

Trước đây, các doanh nghiệp bảo hiểm phần lớn chỉ tập trung vào rủi ro vật chất — như cháy nổ, thiên tai — mà chưa đánh giá đầy đủ về rủi ro kinh tế vĩ mô, rủi ro thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, đây là lúc cần điều chỉnh tư duy.

Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn sử dụng mô hình vận hành cũ với chi phí nhân lực cao. Đây là thời điểm để cơ cấu lại, tối ưu hóa chi phí hoạt động, và từ phần chi phí tiết kiệm đó có thể chuyển sang hỗ trợ khách hàng.

Trong cấu trúc giá phí bảo hiểm, ngoài phần phí thuần để chi trả bồi thường, còn có phần phụ phí — tức chi phí quản lý, chi phí hoạt động. Nếu doanh nghiệp giảm được các khoản chi phí này, khách hàng sẽ được hưởng mức phí bảo hiểm hợp lý hơn. Đây là lúc các doanh nghiệp cần rà soát lại cấu trúc phí của mình.

Tại Việt Nam, hệ thống pháp lý đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng mô hình quản trị rủi ro đầy đủ, bao gồm ba tuyến phòng thủ, quy trình giám sát, đánh giá rủi ro định kỳ và công bố thông tin phù hợp. Một số doanh nghiệp, như Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE), đã công khai báo cáo quản trị rủi ro năm 2024 với nội dung chi tiết, từ phân loại rủi ro đến khẩu vị rủi ro và phương pháp đánh giá.

Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp khác, việc công bố thông tin về quản trị rủi ro vẫn chưa phổ biến và chưa đồng đều về độ sâu. Đặc biệt, những yếu tố mang tính hệ thống như rủi ro thương mại toàn cầu, rủi ro ESG hay biến đổi khí hậu vẫn chưa được đề cập đầy đủ trong nhiều tài liệu công khai.

Trong khi đó, các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới đã đi xa hơn trong tích hợp quản trị rủi ro vào toàn bộ chuỗi giá trị vận hành – từ phát triển sản phẩm, nhận tái bảo hiểm, đầu tư đến quản trị doanh nghiệp.

Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam

Trong khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro và chuẩn hóa công bố thông tin, hai tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới – Munich Re và Swiss Re – đã đi trước một bước với hệ thống tích hợp sâu vào toàn bộ hoạt động vận hành.

Munich Re – Khi rủi ro trở thành năng lực cốt lõi: Munich Re xây dựng hệ thống Integrated Risk Management (IRM) do Giám đốc Quản trị Rủi ro điều hành, độc lập với khối kinh doanh và báo cáo trực tiếp lên Ban điều hành Tập đoàn. Tập đoàn này áp dụng mô hình định lượng nội bộ theo chuẩn Solvency II, đồng thời tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để đánh giá các kịch bản rủi ro như thiên tai, rủi ro mạng và biến động thị trường.

Năm 2024, nhờ năng lực quản trị rủi ro hiệu quả, Munich Re đạt lợi nhuận ròng 5.671 triệu euro; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 18,2%; và tỷ lệ an toàn vốn (Solvency Ratio) lên tới 287% – vượt xa mức tối ưu nội bộ 175–220%.

Swiss Re – ESG và dữ liệu lớn dẫn dắt chiến lược kiểm soát rủi ro: Swiss Re triển khai Khung Rủi ro ESG gồm ba lớp: danh mục lĩnh vực nhạy cảm, hệ thống rà soát bắt buộc (due diligence) và hội đồng ESG nội bộ nhằm kiểm soát các thương vụ tiềm ẩn rủi ro xã hội, môi trường và quản trị. Riêng trong năm 2024, hơn 280 thương vụ bảo hiểm hoặc đầu tư đã bị từ chối hoặc điều chỉnh do không đáp ứng tiêu chuẩn ESG.

Bên cạnh đó, tập đoàn sử dụng công cụ CatNet® – hệ thống phân tích rủi ro thiên tai theo thời gian thực dựa trên dữ liệu vệ tinh và AI – để đưa ra quyết định định phí và phê duyệt rủi ro. Cũng trong năm 2024, Swiss Re đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào các công cụ tài chính bền vững, đồng thời giảm 35% lượng phát thải carbon so với mốc năm 2018 và ứng phó hiệu quả với một năm thiên tai toàn cầu tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD tổn thất – lần thứ năm liên tiếp.

PV: Thị trường bảo hiểm doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình phát triển. Việc Mỹ gia tăng rào cản thương mại có thể tạo ra áp lực gì đối với các công ty bảo hiểm trong nước, đặc biệt là về năng lực định phí và đánh giá rủi ro?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Chúng ta cần phân biệt rõ giữa hai mảng: bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ.

Với bảo hiểm phi nhân thọ, mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ đang trở thành ‘cơn ác mộng’ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản, gỗ và bất động sản công nghiệp. Gánh nặng này không chỉ đe dọa thị phần tại thị trường lớn nhất thế giới mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh sụt giảm doanh thu, thậm chí phải cắt giảm nhân sự.

Đối với bảo hiểm nhân thọ, khó khăn lại đến từ thị trường đầu tư. Các công ty bảo hiểm nhân thọ không chỉ chi trả quyền lợi bảo hiểm, mà còn đóng vai trò trung gian tài chính – sử dụng nguồn tiền của khách hàng để đầu tư. Khi thị trường đầu tư gặp khó khăn, lợi nhuận giảm sút, kỳ vọng của khách hàng không đạt, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin và khiến sức mua sản phẩm bảo hiểm cũng suy giảm.

Đây là thời điểm các công ty bảo hiểm nhân thọ cần xây dựng mô hình mô phỏng kinh tế chặt chẽ hơn, lường trước các biến động kinh tế vĩ mô để có chiến lược phù hợp. Trước đây, nhiều công ty chỉ tập trung vào quản trị rủi ro sản phẩm mà chưa quan tâm đầy đủ đến các yếu tố từ môi trường kinh tế quốc tế.

Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam

Tuy nhiên, năm 2024 cũng phản ánh một số tín hiệu thách thức: tổng doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt 227.495 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,26% so với năm 2023. Đáng chú ý, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm 5%, trong khi khối phi nhân thọ tăng trưởng 10,21% nhờ nhu cầu bảo vệ tài sản và trách nhiệm tăng lên. Tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 93.906 tỷ đồng, tăng gần 18% – cho thấy vai trò hỗ trợ tài chính ngày càng thiết thực của ngành bảo hiểm trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

Hiện Việt Nam có 85 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động, bao gồm 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài.

Trước yêu cầu nâng cao khả năng chống chịu của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã công bố loạt định hướng điều hành quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển thị trường một cách an toàn, bền vững và minh bạch hơn. Cụ thể:

  1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm mới như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và các sản phẩm bảo hiểm liên kết.
  2. Tăng cường năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy minh bạch tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.
  3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động bảo hiểm, nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và ngăn ngừa rủi ro hệ thống.
  4. Phát triển sản phẩm và kênh phân phối mới, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng số và các hình thức bán hàng đa kênh.
  5. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo hiểm, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vai trò và lợi ích của bảo hiểm trong đời sống và sản xuất kinh doanh.

Song song đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp về nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm. Đây là những nền tảng quan trọng nhằm nâng cao năng lực điều hành, định phí, và quản trị rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp hơn bao giờ hết.

PV: Doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính – bảo hiểm – bất động sản cần chuẩn bị gì để thích nghi với các biến động thương mại từ Mỹ?

Chuyên gia Trần Nguyên Đán: Trước đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng lạc quan quá mức, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Khi thị trường thuận lợi, họ vay ngân hàng tới hạn mức tối đa để đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Tuy nhiên, khi thị trường gặp khó khăn, dòng tiền không về kịp, dẫn đến không đủ khả năng trả lãi vay.​

Nếu chính sách thuế của Mỹ tiếp tục giữ ở mức 46%, áp lực tài chính với các doanh nghiệp vay nợ lớn sẽ rất đáng kể. ​

Bài học rút ra là: nội lực mới là yếu tố quan trọng nhất. Trong báo cáo tài chính, vốn chủ sở hữu và dòng tiền là nền tảng cốt lõi để doanh nghiệp đứng vững. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng vốn điều lệ để nâng cao sức khỏe tài chính, đồng thời giảm sử dụng đòn bẩy tài chính – tức là hạn chế vay nợ.​

Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ chọn phương án không chia cổ tức bằng tiền mặt, mà chia bằng cổ phiếu thường, để giữ lại dòng tiền nhằm củng cố năng lực tài chính và khả năng chống chịu trong giai đoạn khó khăn.

Cú sốc thương mại từ Mỹ: Khi thuế không chỉ tác động đến xuất khẩu mà lan sang cả ngành bảo hiểm và tài chính Việt Nam