![]() |
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 của Bộ Chính trị, câu chuyện về việc ươm tạo thế hệ doanh nhân trẻ ngày càng trở nên cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược.
Là một trong những doanh nhân khởi nghiệp từ rất sớm, với Nhà sáng lập NextTech Nguyễn Hòa Bình, câu chuyện đó đã bắt đầu từ trước khi nghị quyết ra đời. Không vì chính sách mà thành lập NextStart, Shark Bình đơn giản chỉ là một người cùng mang một khát vọng lớn với đất nước Việt Nam: khơi dậy và ươm mầm thế hệ những người trẻ có đam mê, có năng lực – nhưng quan trọng nhất là có con đường đúng đắn để đi. Khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ, thiếu thốn nhiều thứ, từng trả giá bằng thời gian và sai lầm, Shark Bình am hiểu sâu sắc giá trị của việc có ai đó đồng hành ngay từ đầu. NextStart được thành lập không phải để thực hiện nghị quyết mà vì ngày xưa vị doanh nhân ước có một nơi như thế cho chính mình.
![]() |
Trong khi khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, việc các doanh nghiệp tư nhân chủ động tham gia vào quá trình ươm mầm nhà sáng lập còn khá mới mẻ. Điều gì đã thôi thúc anh xây dựng NextStart Incubator với sứ mệnh đào tạo và hỗ trợ các nhà sáng lập ngay từ những bước đầu tiên, thay vì chỉ tập trung vào gọi vốn cho các dự án đã trưởng thành?
Thật ra từ năm 2016, anh đã bắt đầu đầu tư mạo hiểm rồi, nhưng lúc đó vẫn còn rất âm thầm. Không ai biết cả, chỉ có vài thương vụ kiểu MPOS, TopCV – mấy bạn đó cũng rất giỏi. Nhưng mãi đến 2019, khi anh lên sóng Shark Tank và công bố quỹ Next100 thì mọi người mới biết đến. Mục tiêu lúc đó là muốn tạo bệ phóng cho 100 doanh nhân công nghệ tiếp theo của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi ấy, các startup công nghệ còn ít nên năm 2023, anh mở rộng thêm sang hướng D2C – bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, nhưng rồi lại vướng. Phần lớn các startup Việt làm D2C chỉ biết nhập hàng Trung Quốc về bán, không có hàm lượng sản phẩm, không có sản xuất, không có khác biệt gì cả. Đến lúc mấy sàn lớn như Shopee, Tiki, Lazada làm xuyên biên giới thì coi như chết sạch.
Sau các lần biến động, đặc biệt là đại dịch, rồi đến làn sóng AI... anh ngẫm ra một điều rất rõ: ở Việt Nam, rủi ro đầu tư vào startup cực kỳ cao. Mà nguyên nhân không phải vì các bạn không giỏi hay không đam mê. Có khi còn rất giỏi nữa là đằng khác. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: các bạn thiếu hoàn toàn kỹ năng vận hành doanh nghiệp. Làm sản phẩm thì biết, nhưng không biết bán hàng, không biết tài chính, không biết vận hành, không biết xây thương hiệu. Tức là nghĩ ra sản phẩm chỉ mới được 10% thành công thôi. Làm ra một cái sản phẩm tốt thì nâng lên được 30%. Nhưng 60% còn lại là làm sao để đưa được cái đó ra thị trường, bán được hàng, marketing, vận hành doanh nghiệp,...
Thế là anh lại quay lại một tư duy: phải đi từ sản phẩm gốc, từ cái lõi. Sản phẩm phải có sự khác biệt, thì mình mới đặt hàng sản xuất được, mới phân phối, mới mở rộng. Còn cứ nhập hàng trên mạng về bán thì làm sao sống được. Người ta đặt thẳng từ Trung Quốc về còn rẻ hơn mình bán lẻ ở Việt Nam. Cho nên anh mới nghĩ muốn làm bài bản, thì phải đi từ gốc, từ con người, từ khi người ta còn chưa startup, còn đang lơ mơ.
Trong gần một thập kỷ đầu tư, anh thấy đại đa số startup bị quá đắm đuối vào 10 - 30% đầu tiên. Trong khi tỷ lệ startup mà quỹ đầu tư coi là 'trúng' thì ít lắm, dưới 10% thôi. Còn lại là chết hoặc “dặt dẹo” - tức là không chết hẳn, nhưng cũng không sống được. Không tạo ra tiền, không exit được, không scale nổi. Một phần nguyên nhân chính là bởi các startup thiếu trình độ, họ có thể yêu nghề, giỏi chuyên môn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng khác mà gần như không có trường lớp nào dạy cả.
Các khối các trường kỹ thuật thì lại thiên về quá sản phẩm thiếu hẳn những cái các kỹ năng còn lại về kinh doanh. Ngược lại khối cấp trường về kinh tế thì lại chỉ biết về kinh tế, tài chính thôi nhưng lại không có cái năng lực làm ra sản phẩm. Họ có thể làm ra các dịch vụ nhưng mà thì thiếu cái yếu tố như để chế tạo. Cho nên ai cũng thiếu một mảng.
Trước đây anh đi tìm startup để đầu tư. Giờ anh chọn con người để ươm tạo. Ươm tạo từ khi họ chưa là ai hết, đào tạo tư duy đúng, mindset đúng, hiểu được một doanh nghiệp vận hành thế nào.
NextStart là bước hệ thống hóa mô hình mà anh đã theo đuổi từ trước, vậy trong quá trình ươm tạo âm thầm đó, đã có ai đi được hành trình từ 'chưa là ai hết' đến 'ai đó' thật sự chưa?
Cái mô hình đó, thực ra NextTech đã làm từ rất sớm và rất thành công rồi.
![]() |
Tư duy ươm người là con đường mà anh tin là đúng – vì chính NextTech đã chứng minh điều đó là khả thi. Ví dụ như Vimo, do anh Tuất và anh Diễn sáng lập – trước đó đã từng thất bại. Sau đó, anh đồng hành, tái khởi nghiệp cùng họ, xây dựng lại từ gốc. Giờ thì rất thành công trong lĩnh vực fintech.
Hay như Boxme, bạn Founder Hán Văn Lợi - anh gặp khi mới 22 tuổi - còn chưa tốt nghiệp đại học và thôi học luôn. Anh ươm tạo luôn từ lúc đó. Giờ thì Boxme đã là một trong những hệ thống kho vận lớn nhất phục vụ thương mại điện tử ở Việt Nam.
Cho nên, khởi nghiệp không phải là cầm một cái idea rồi gọi vốn. Khởi nghiệp phải bắt đầu từ việc hiểu doanh nghiệp là gì, sản phẩm khác biệt là gì, cách vận hành ra sao. Và hơn hết, rất cần có mentor huấn luyện từ gốc, đó là lý do NextStart ra đời.
![]() |
Không như sản phẩm hay mô hình kinh doanh, con người rất khó đo được tiềm năng. Vậy Shark thường dựa vào đâu để nhận biết một người trẻ có thể trở thành nhà sáng lập thực thụ?
Anh đầu tư vào startup gần 10 năm rồi, đủ để hiểu rằng khởi nghiệp ở Việt Nam không thiếu đất – đất là thị trường, là tiềm năng, là nguồn lực – nhưng cái mình thiếu là hạt giống tốt. Tức là con người. Không phải ai cũng đủ phẩm chất để đi đường dài với khởi nghiệp đâu. Thế nên, thay vì chọn mảnh đất màu mỡ, anh chọn cách tìm hạt giống – những người sáng lập tài năng và máu lửa, rồi mới tính chuyện trồng cây, chăm tưới sau.
Muốn tìm hạt giống tốt thì phải có tiêu chí chứ. Anh đã đi qua 25 năm khởi nghiệp, lăn lộn với đủ loại mô hình, đủ khó khăn. Cái anh có không chỉ là kiến thức mà còn là trực giác – một thứ sense rất khó gọi tên. Anh chỉ cần nhìn một đội, nghe vài câu là anh biết đội này ổn hay không rồi! Nhiều người gọi đấy là 'linh cảm', nhưng thực ra là một sự từng trải được tích lũy đến mức gần như thành tinh.
Ở NextStart, anh tổ chức hai bảng đối tượng tuyển chọn rất gắt gao. Tuyển kỹ lắm. Nhưng không phải cứ giỏi lý thuyết là được đâu – anh quan tâm đến tài năng thực sự – và tài năng thì phải được chứng minh. Chứng minh bằng thành tích, mà không nhất thiết là bảng điểm. Có thể là sản phẩm đã từng làm, cuộc thi từng tham gia, những sản phẩm đã tạo ra. Tức là phải cho anh thấy là em đã từng làm ra một cái gì đó có ý nghĩa.
Tiêu chí thứ hai, quan trọng hơn: máu. Phải có máu khởi nghiệp, máu kinh doanh. Phải máu đến mức không sợ thất bại, không sợ rủi ro. Và có điểm nữa các bạn phải có hướng nghiên cứu hoặc đam mê rõ ràng. Có thể chưa có sản phẩm ngay, nhưng phải đang theo đuổi một vấn đề, một hướng đi. Còn nếu chưa có gì hết – không sao – miễn là có tài năng và tư duy cầu tiến, thì anh sẽ cho môi trường để cùng tư duy, nghiên cứu. Ai đã có hướng đi rồi thì vào để lập dự án. Còn ai đã có dự án khả thi rồi – anh đầu tư luôn. Có trường hợp anh rót 10 tỷ sau vòng gặp đầu tiên.
Ứng viên được chia làm ba level: Starter – tài năng nhưng chưa có sản phẩm. Innovator – đã có hướng sản phẩm. Và Founder – đã có dự án thực tế, sẵn sàng đầu tư. Sinh viên thường ở nhóm 1 hoặc 2. Người đã đi làm thì thường là nhóm 3.
Tuổi trẻ thì thiếu kinh nghiệm, thiếu va vấp – cái đó anh bù được. Miễn là có tài năng và tư duy học hỏi. Anh không xây startup từ trên trời rơi xuống. Anh gieo hạt giống từ gốc – như cách anh từng làm với NextTech, và giờ anh nhân rộng mô hình đó với NextStart.
Trước đây anh từng đi ươm startup nhưng một là nó ít, thứ hai nữa là khi mấy cái startup đã hình thành thì cái tư duy nhiều khi nó đã bị đóng khung chạy rồi cho nhanh, cực khó uốn mình nói không nghe. Giống như cái cây đã mọc cong, bây giờ uốn là gãy.
![]() |
Trong những tuần vừa qua, Shark Bình dành thời gian đến thăm nhiều trường Đại học, tổ chức giáo dục - nơi quy tụ những người trẻ đầy khát vọng và tư duy đổi mới - để chia sẻ những kiến thức giá trị và đặc biệt là cơ hội được hỗ trợ khởi nghiệp trực tiếp tại Vườn ươm Tài năng Khởi nghiệp NextStart. Từ những đơn vị đầu ngành như Trường Đại học Công nghệ (UET), Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Học viện Tài chính (AOF), Trường Đại học Hà Nội (HANU), đến môi trường quốc tế như Swinburne Vietnam, các trung tâm đào tạo như FPT Young Talents (FYT), hay buổi gặp gỡ đặc biệt trong Private Meeting - NextStart Founders’ Circle, mỗi cuộc trò chuyện đều mang lại những góc nhìn thực tế và tinh thần khởi nghiệp đầy năng lượng cho các bạn sinh viên tài năng.
Là người sáng lập NextStart Incubator, Shark Bình tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng nếu được dẫn dắt đúng hướng và được rèn luyện thực chiến ngay từ đầu.
Nhân tài thì có thể đến từ bất kỳ đâu, vậy chương trình NextStart có cách tiếp cận nào để không bỏ sót tài năng ở vùng sâu vùng xa?
Trong tương lai, NextStart sẽ có những cách thức để tiếp cận được các bạn ở xa. Tuy nhiên 1, 2 khóa đầu anh sẽ tập trung làm ở Hà Nội vì anh là người mentor trực tiếp hỗ trợ giúp đỡ, phải kèm cặp mới sát được.
Ngày trước, anh cứ đầu tư cho các bạn startup ở các nơi, văn phòng tản mát, các bạn cũng không được gần mình xa mặt cách lòng. Mình cũng không chỉ bảo được, các bạn cũng không hỏi được thế là sai đường. Mà những cái sai lầm đấy anh chỉ ra thì đúng một câu thôi nhưng nếu không có ai chỉ cho các bạn thì các bạn sẽ mất 5 năm, rất nhiều tiền, nhiều thời gian, mất cơ hội và thậm chí là sụp đổ, rất là đáng tiếc luôn.
![]() |
Thưa Shark, với mô hình tập trung vào con người, NextStart có gì khác biệt so với các quỹ đầu tư truyền thống trong việc xây dựng nền tảng cho các startup?
Tồn tại được đến ngày hôm nay, anh không dám nói là mình giỏi giang gì nhưng mà quan trọng là anh còn sống đúng không. Người xưa nói, cáo sống nghìn năm thì hóa tinh – vì nó khôn, nó tránh được bẫy. Anh thấy startup cũng vậy, tránh được sai lầm là điều quan trọng. Chỉ ra được bao nhiêu cái hố đó là giá trị của anh, bài học kinh nghiệm là cái quý giá nhất. Startup cần có người đi trước dắt tay, có hệ sinh thái hỗ trợ, chứ không phải là được bơm thật nhiều tiền. Tiền nhiều mà không biết dùng, anh nói thật – đôi khi là thuốc độc.
![]() |
Anh từng chứng kiến – và chính bản thân anh cũng từng trải – cái cảnh gọi được vốn, xong thì lao vào tăng trưởng, đốt tiền, đua KPI cho quỹ. Đến lúc nào đó, mình không còn là mình nữa. Startup mà không tạo ra lợi nhuận, không định hình được bản sắc, thì chỉ là công cụ cho người khác exit, chứ không phải là doanh nghiệp có sứ mệnh riêng.
Cho nên anh mới chọn một con đường rất khác. Đó là xây dựng một mô hình khởi nghiệp khép kín, trong đó NextStart không chỉ cung cấp vốn, mà còn là một hệ sinh thái toàn diện: có mentor, có sản xuất, có logistics, có tài chính, có công nghệ… tất cả đều có sẵn trong hệ sinh thái của NextTech. Founder chỉ cần tập trung vào đúng hai việc: làm sản phẩm thật tốt và phát triển doanh nghiệp thật bền.
Đối với startup, thì kinh nghiệm là số một, hệ sinh thái là số hai, và cuối cùng mới đến vốn. Vốn, với anh, là cái ít quan trọng nhất – vì vốn thì anh lo được hết, không bao giờ để ai trong NextStart phải đi gõ cửa vòng gọi vốn cả. Để cho các bạn ấy được yên tâm mà làm ra sản phẩm có giá trị thật.
NextStart khác các quỹ đầu tư truyền thống ở chỗ: anh không tuyển startup, anh tuyển con người. Anh không đào tạo các bạn để đi làm thuê. Anh tuyển người để làm chủ. Làm chủ một sản phẩm, làm chủ một doanh nghiệp, và quan trọng nhất – là làm chủ chính mình. Các bạn vào đây, được mentor hướng dẫn từng bước, được thử sai, được đầu tư cả chất xám, kinh nghiệm và nguồn lực. Khi sản phẩm ra được thị trường, khi doanh nghiệp có doanh thu, các bạn là cổ đông thật – có cổ phần thật. Không phải làm công ăn lương tháng.
Nói dễ hiểu, đây là mô hình ‘corporate startup’ – tức là startup được xây dựng bởi một tổ chức có hệ sinh thái đầy đủ, xác suất thành công cao hơn. Về bản chất, NextStart là một trường đào tạo nhà sáng lập, nhưng không dạy lý thuyết. Dạy thực chiến. Và đặc biệt là dạy theo một chu trình khởi nghiệp đúng chuẩn – nơi các bạn vừa học, vừa làm, vừa sở hữu, vừa xây dựng một doanh nghiệp của chính mình.
![]() |
Không chỉ là sân chơi cho sinh viên, NextStart còn dành cho người khởi nghiệp muộn – những bạn đã đi làm 10 – 20 năm, giờ muốn khởi nghiệp với kinh nghiệm, vốn liếng và tầm nhìn sẵn có. Anh cũng ươm, cũng đầu tư, miễn là có sản phẩm tử tế và khát khao làm thật.
Khởi nghiệp là hành trình nhiều chông gai. Có thể một năm, hai năm, thậm chí năm năm mới ra được ‘long mạch’. Nhưng ở đây, ít nhất các bạn không cảm thấy cô đơn, không phải đi gọi vốn từng vòng, không phải chịu sức ép vô lý từ nhà đầu tư. Mà các bạn được tạo điều kiện để trở thành người đồng sáng lập thực sự, với tương lai do chính mình nắm lấy.
Với anh, đây là phần còn lại của sự nghiệp. Làm bệ phóng cho người trẻ. Và anh tin NextStart chính là con đường đúng, con đường tử tế mà NextTech đã đi từ ngày đầu – và bây giờ, mở rộng ra cho thế hệ kế tiếp.
![]() |
Tú Anh - Project Lead của NextStart, người đồng hành cùng Shark Bình xây dựng chương trình khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi bạn trẻ (2002) nhưng đã thể hiện sự chuyên nghiệp.
Shark Bình tự hào khoe "Tú Anh là một sinh viên kinh tế tài năng và cũng đạt được nhiều thành tích. Anh rất tin vào các bạn trẻ. Không phải nói suông đâu – vì anh chính là một người từng đi lên từ lúc rất trẻ. Năm 19 tuổi, anh còn là sinh viên năm hai, đã bắt đầu khởi nghiệp tự lập công ty, đi làm phần mềm. Đến năm 2004, khi mới tốt nghiệp đại học, anh đã làm sàn thương mại điện tử đầu tiên – ChợĐiệnTử.vn. Mọi thứ anh làm đều bắt đầu từ sự tò mò, đam mê và không có ai chỉ đường hết."
Ngày ấy anh rất khao khát có mentor hướng dẫn cho mình. Ai chỉ cho mình con đường gì đó để đi theo thì thay vì mất 20 năm mình sẽ chỉ mất đúng 5 năm.
![]() |
Anh tin người trẻ có cái mà người lớn không có – đó là sự táo bạo, sự liều, sự bướng, và khả năng học rất nhanh. Chỉ cần có người dẫn đường, có hệ sinh thái hỗ trợ, là các bạn sẽ bật lên rất mạnh. Chỉ cần bên cạnh các bạn có người từng đi qua, từng thất bại rồi, từng mất tiền rồi, và biết bẫy nằm ở đâu – thì các bạn không cần phải vấp lại nữa.
Rất nhiều chương trình khởi nghiệp hiện nay đi theo hướng lý thuyết, lớp học,… Vậy điều gì khiến anh chọn cách tiếp cận hoàn toàn khác – không trường lớp, không giảng đường?
Anh không thích lý thuyết. Anh không mở trường lớp. Anh không đi dạy đại trà. Anh không làm học viện kiểu chấm điểm lên bảng. Mô hình của anh là ‘đào tạo thực chiến’ – dạy bằng việc làm, mentoring sát bên, phản biện trực tiếp, làm sản phẩm thật, thị trường thật, tiền thật. Có vấn đề gì, anh ngồi nói một buổi là các bạn hiểu. Chứ còn bảo anh đi dạy tuần 2 buổi như mấy anh khác – anh lười lắm. Anh không có thời gian.
NextStart là hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện mà anh đúc rút từ suốt hành trình của mình. Từ bao năm startup, đầu tư, thất bại, thành công. Đây không phải là mô hình đầu tư đại trà. Đây là một tổ chức tạo ra những startup có định hướng, có gốc, có nền, có văn hóa – và có người đồng hành thực sự.
Anh làm cái này không vì tiền. Tiền đối với anh bây giờ là hệ quả – chứ không phải mục tiêu. Anh lười đầu tư tài chính, không chơi chứng khoán, vàng bạc. Anh mê startup. Anh yêu thích việc xây dựng, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, thích đổi mới và sáng tạo. Việc đầu tư cho các bạn trẻ cũng xuất phát từ đam mê đó – mình cùng họ tạo nên điều gì đó mới mẻ, rồi đến một lúc, nó tự vận hành, tự thành công và mang giá trị, mang tiền về, chứ không phải kiểu mình phải đi kiếm tiền từng đồng.
NextStart Incubator là chương trình ươm tạo thuộc NextTech Group, do Shark Bình trực tiếp sáng lập, hướng đến việc hỗ trợ các cá nhân tiềm năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, NextStart mang đến một hệ sinh thái toàn diện - nơi Startup được cố vấn bởi các chuyên gia, đào tạo kiến thức và kỹ năng thực chiến, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để phát triển bền vững.
Chương trình mở đợt tuyển theo đợt trong năm cho các bạn sinh viên năm 3, năm 4 chưa có ý tưởng & nhận hồ sơ/xét duyệt liên tục với các Startup đã có sản phẩm.
Tìm hiểu thêm về NextStart Incubator tại website nextstart.vn."